Ngày 2/12, tổ đại biểu số 1 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp xúc cử tri các huyện Thanh Hà, Gia Lộc sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Thanh Hà đã có ý kiến, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Hà quan tâm, trả lời thấu đáo các vấn đề cử tri kiến nghị.
Về vấn đề liên quan đến việc một số xã gặp khó trong tuyển quân, thực hiện nghĩa vụ quân sự như các thanh niên tốt nghiệp ra trường nhưng các trường đại học, cao đẳng lại không “di chuyển phiếu đăng ký nghĩa vụ quân sự” về địa phương nên việc quản lý, tuyển chọn gọi thanh thực hiện nghĩa vụ quân sự gặp khó khăn, đồng chí Lê Văn Hiệu cho biết ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thẻ học nghề, sắp tới tỉnh Hải Dương sẽ bổ sung thêm một chính sách hỗ trợ kinh phí cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học nghề xong… Vì vậy, các xã cần có biện pháp để công dân nhập ngũ đạt tỷ lệ cao; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí đề nghị huyện Thanh Hà quan tâm, giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc thẩm quyền của huyện.
Đồng chí làm rõ thêm một số ý kiến của người dân liên quan đến Luật Đất đai mới, việc đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng trước luật và sau Luật Đất đai mới. Trả lời thắc mắc của cử tri về mức đền bù khác nhau giữa luật mới và cũ, đồng chí phân tích, giải thích cho người dân hiểu Luật Đất đai mới có hiệu lực, đưa vào áp dụng năm 2024 là theo hướng tiếp cận công bằng. Tinh thần chung là sửa luật để mang lại lợi ích cho người dân chứ không phải là làm cho người dân thiệt hơn trước. Đồng chí khẳng định theo Luật Đất đai mới, việc xác định lại nguồn gốc đất rõ ràng hơn, bảo đảm đúng quy trình.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Lê Lợi (Gia Lộc) phản ánh hiện nay việc nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đường ra vào các vùng chuyển đổi chật hẹp, xuống cấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường tiêu thụ thất thường. Do đó, khoảng 30% diện tích nuôi thủy sản của địa phương bị bỏ hoang. Một số kênh mương cấp 1, cấp 2 hiện vẫn là mương đất, khiến việc cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Nhu cầu nhà màng, nhà lưới của người dân nhiều nhưng kinh phí hỗ trợ hạn chế…
Trả lời nội dung này, các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc Vũ Văn Cấp cho biết thời gian qua, tỉnh cũng như huyện Gia Lộc luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi thủy sản. Tuy nhiên, để được đầu tư, vùng thủy sản đó phải đáp ứng được một số yêu cầu như: có diện tích từ 20 ha trở lên, đã có quy hoạch, kinh phí giải phóng mặt bằng ít...
Thời gian qua, UBND huyện Gia Lộc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn khảo sát các vùng nuôi thủy sản, kiến nghị, đề xuất và được tỉnh hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho một số vùng nuôi ở các xã Yết Kiêu, Hoàng Diệu, Nhật Quang (trước là xã Đồng Quang, Nhật Tân). UBND huyện cũng trích ngân sách trên 25 tỷ đồng hỗ trợ các vùng này xây dựng hạ tầng.
Tại xã Lê Lợi, UBND huyện đã đầu tư kinh phí cải tạo một số tuyến kênh cấp 2, tạo thuận lợi trong việc tưới tiêu.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ nhà màng. Theo đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng và diện tích hỗ trợ sẽ được tăng thêm đáng kể trong năm tới. UBND huyện sẽ có những hướng dẫn cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện tới người dân.
Tại buổi tiếp xúc, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Hà, Gia Lộc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. UBND các huyện Thanh Hà, Gia Lộc sẽ tổng hợp các ý kiến cử tri, đề xuất các cấp xem xét, giải quyết.
MINH NGUYÊN - NGỌC THỦY