Sign In

Giáo viên dạy giỏi không chỉ là danh hiệu

05:38 22/05/2024

Mặc dù ở không ít nơi, việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp còn vấp phải nhiều luồng dư luận khi cho rằng các hội thi này được tổ chức còn nặng về thành tích, mang tính hình thức; nhiều người tỏ ra không tin tưởng vào chất lượng các hội thi và chất lượng giáo viên dạy giỏi, thậm chí có người còn nêu ý kiến đề nghị ngành giáo dục bỏ việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi để hạn chế áp lực cho giáo viên… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp vẫn được nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất.

Chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp triển khai thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới hiện nay. Nhiều năm qua, trên cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, bên cạnh việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục còn duy trì tổ chức tốt các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, tạo điều kiện cho giáo viên toàn ngành có cơ hội được phấn đấu và khẳng định mình, góp phần cho toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Hà Nam năm học 2023 - 2024 mới được tổ chức cuối tháng tư vừa qua là dịp để các giáo viên thể hiện năng lực dạy học thông qua việc phân tích các bài học, chia sẻ những sáng kiến kinh nghiệm về giảng dạy và tổ chức lớp học cũng như khả năng khai thác, sử dụng các đồ dùng dạy học. Hội thi thu hút sự tham gia của 52 giáo viên đến từ 6 đơn vị phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thành phố.

Các giáo viên được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Hà Nam năm học 2023 - 2024.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Đây là các giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố, có đầy đủ các điều kiện tham dự hội thi. Tại hội thi này, các giáo viên phải trải qua 2 phần thi, gồm: trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục và thực hành giảng dạy một tiết học theo kế hoạch giáo dục nhà trường tại thời điểm diễn ra hội thi. Hội thi được tổ chức với nhiều mục đích, trong đó có việc tạo thêm cơ hội cho giáo viên được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cũng như tạo động lực để đội ngũ có ý thức phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy giáo Đỗ Hồng Minh, giáo viên Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý) chia sẻ: Để đến được với Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh, chúng tôi đã phải trải qua các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp thành phố. Vì vậy, chúng tôi đã tự trang bị được cho mình một dung lượng kiến thức chuyên môn khá vững vàng và tâm lý tự tin dự thi. Tham gia hội thi, cá nhân tôi nhận thấy, các phần thi trong hội thi được tổ chức bài bản, bảo đảm cho giáo viên dự thi được tham gia cả phần thi viết và phần thi thực hành. Cá nhân tôi đánh giá cao phần thi thực hành, vì qua đó giáo viên được tổ chức hoạt động giáo dục bảo đảm kiến thức, kỹ năng theo đặc điểm của hoạt động, thể hiện đúng phương pháp, đặc trưng của hoạt động theo chương trình giáo dục tiểu học. Qua việc đánh giá, chấm điểm của ban giám khảo giúp giáo viên tự nhìn nhận được những điểm mạnh, điểm hạn chế của mình để áp dụng hay khắc phục có hiệu quả trong thực tiễn dạy học.

Trên thực tế, bên cạnh hội thi giáo viên dạy giỏi của cấp tiểu học, các hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp học khác, như: mầm non, THCS, THPT cũng được ngành giáo dục chỉ đạo tổ chức theo đúng tinh thần của các hội thi giáo viên dạy giỏi. Nghĩa là, đã tạo ra một “sân chơi” về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm bổ ích; đáp ứng nhu cầu được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và khẳng định năng lực dạy học của mỗi giáo viên. Đồng thời, giúp cho ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng có thêm điều kiện đánh giá sát thực hơn về thực trạng đội ngũ giáo viên của từng cấp học, cũng như của từng đơn vị để lấy đó làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

Mặc dù ở không ít nơi, việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp còn vấp phải nhiều luồng dư luận khi cho rằng các hội thi này được tổ chức còn nặng về thành tích, mang tính hình thức; nhiều người tỏ ra không tin tưởng vào chất lượng các hội thi và chất lượng giáo viên dạy giỏi, thậm chí có người còn nêu ý kiến đề nghị ngành giáo dục bỏ việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi để hạn chế áp lực cho giáo viên… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp vẫn được nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường được các nhà trường tổ chức đều đặn hằng năm, 2 năm/lần đối với cấp huyện và thành phố, 4 năm/lần đối với thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Các giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp đều trên tinh thần tự nguyện, không có tình trạng ép giáo viên tham gia để lấy thành tích cho nhà trường. Khi thao giảng, ban tổ chức yêu cầu các giáo viên phải giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp, không được bổ sung học sinh khá-giỏi ở các lớp khác sang và không được cho các học sinh yếu kém của lớp nghỉ. Điều đó đã tạo sự công bằng, tránh thành tích cho các hội thi. Giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi vì thế cũng không chỉ là danh hiệu, mà đã khẳng định được năng lực chuyên môn thực chất.

Hơn thế, các hội thi giáo viên dạy giỏi còn là dịp để ngành giáo dục động viên, phát huy tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chiều sâu, sự vận dụng linh hoạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, lựa chọn kiến thức trọng tâm và ý thức tổ chức dạy học tích hợp kiến thức bài học với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh... trong đội ngũ giáo viên. Điều này thực sự có ý nghĩa tích cực đối với quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.

Thanh Hà

Tag:

File đính kèm