Đối thoại, tiếp xúc với nhân dân là cầu nối quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền các cấp bám sát đời sống, gần với nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân. Những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân gửi đến người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là những tâm tư, nguyện vọng liên quan đến quyền và lợi ích của mỗi người dân và việc trả lời, giải quyết kịp thời, đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của nhân dân.
Ngày 25/7/2023, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đoàn viên, hội viên khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hội nghị diễn ra với sự điều hành của đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Với tinh thần đối thoại dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, tại hội nghị, cán bộ, đoàn viên, hội viên khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh nêu ý kiến, đề xuất tập trung vào các nhóm vấn đề: việc bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách (Chủ tịch Ủy ban MTTQ) xã, phường, thị trấn; chế độ phụ cấp công vụ đối với chủ tịch, phó chủ tịch hội cựu chiến binh cấp xã, chi hội trưởng cựu chiến binh tại các thôn, xóm, tổ dân phố; việc giải quyết chế độ cho các hội cựu thanh niên xung phong tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc còn tồn đọng; việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng và bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ; việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân, nhất là khu vực thu hồi đất; việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo điều kiện để các hợp tác xã vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Công tác xuất khẩu lao động trong giai đoạn hiện nay; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp trên địa bàn... Đây là những ý kiến, kiến nghị, đề xuất, trao đổi rất tâm huyết và sát với thực tế cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Với tinh thần trách nhiệm cao, những ý kiến, kiến nghị, phản ánh nêu tại cuộc đối thoại đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy trực tiếp trả lời, giải đáp và chỉ đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp trao đổi, trả lời đầy đủ. Những nội dung cần thêm thời gian nghiên cứu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, tập trung xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản cụ thể trên từng lĩnh vực, qua đó kịp thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đồng chí Phạm Thị Thúy Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) cho biết: Tôi rất phấn khởi, vui mừng khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm tổ chức ngày càng nhiều hội nghị đối thoại để nhân dân được bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Tại các hội nghị đối thoại, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã tiếp thu, trả lời trực tiếp từng ý kiến, đề xuất, kiến nghị; đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sau hội nghị đối thoại, không khí dân chủ ngày càng được phát huy; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền thể hiện rõ nét hơn.
Gần đây nhất, ngày 9/8/2023, Huyện ủy, UBND huyện Lý Nhân đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với cán bộ và nhân dân xã Đức Lý. Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cán bộ, nhân dân xã Đức Lý đã nêu ý kiến, kiến nghị tập trung vào một số vấn đề, như: quan tâm công tác kết nạp đảng viên mới tại địa phương; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau dồn đổi; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; bố trí, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại khu dân cư; nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh tiêu bảo đảm sản xuất nông nghiệp; giảm độ tuổi trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí xây nhà văn hóa thôn sau sáp nhập…
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí lãnh đạo huyện Lý Nhân đã lắng nghe, tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Đồng thời, làm rõ, trả lời cụ thể, xác đáng ngay tại buổi đối thoại nhiều vấn đề được nhân dân quan tâm theo thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành chuyên môn tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, trả lời nhân dân trong thời gian sớm nhất. Đồng chí Trần Đức Thuấn, Bí thư Huyện ủy Lý Nhân cho biết: Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có điều kiện nắm bắt kịp thời, đầy đủ hơn những tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn, vướng mắc của nhân dân; đồng thời cũng là dịp thông tin, tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.
Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Hướng dẫn số 09-HD/TU, ngày 12/5/2022 của BTV Tỉnh ủy về “Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân”.
Theo đó, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo 100% huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành quy định, hướng dẫn về hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hằng năm, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được đưa vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó xác định rõ thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng đối thoại. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại cũng đã được coi là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hiện tại, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được duy trì nền nếp và ngày càng thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 487 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 12 cuộc; cấp huyện tổ chức 62 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 413 cuộc. Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và dành cho nhiều đối tượng.
Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân được thủ trưởng các cơ quan liên quan, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp trả lời đầy đủ, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, cơ bản được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Sau hội nghị, các cấp có thẩm quyền đều ban hành kết luận lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể về nội dung, thời gian lộ trình giải quyết những ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ nhân dân của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; đồng thời, phát huy, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, tham gia xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.
Trần Ích