Học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng là khâu đầu tiên và là khâu rất quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mặc dù có vai trò quan trọng và luôn được cấp ủy, tổ chức đảng (TCĐ) quan tâm coi trọng nhưng vì nhiều lý do nên công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng thời gian gần đây vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Trao đổi cùng phóng viên Báo Hà Nam về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Đúng (nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam) cho rằng: Học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng, dù được tổ chức theo hình thức nào cũng phải luôn bảo đảm sự nghiêm túc, đúng quy định và phải coi trọng chất lượng, hiệu quả.
Là người đã có nhiều năm làm công tác chính trị và tham gia hoạt động báo cáo viên, đồng chí nhận định như thế nào về những thuận lợi trong công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng hiện nay?
Có thể nói chưa bao giờ công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng thuận lợi như hiện nay. Công nghệ thông tin đã, đang được ứng dụng vào hầu hết các bước, các khâu trong quy trình công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cũng như tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng. Đơn cử như việc tổ chức những hội nghị tập trung bằng hình thức trực tuyến đã giúp công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng diễn ra đồng thời cùng lúc trên phạm vi rộng khắp, vừa đảm bảo tiến độ cập nhật, phổ biến đến đông đảo CBĐV, nhân dân, vừa góp phần lan tỏa nhanh tinh thần, nội dung chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy địa phương vào thực tế đời sống. Cùng với đó, tiến bộ công nghệ thông tin cũng giúp cho việc in sao, chuyển phát tài liệu, biên soạn nội dung tư liệu, hình ảnh trình chiếu trực quan… phục vụ hoạt động của báo cáo viên được linh hoạt, thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.
Cùng với những thuận lợi trên, công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng có những khó khăn, hạn chế gì, thưa đồng chí?
Khó khăn, hạn chế trước hết là một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng, dẫn đến coi nhẹ, không làm tròn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, đánh giá chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu đối với CBĐV. Bên cạnh đó, một bộ phận CBĐV tinh thần, thái độ chưa nghiêm túc, còn có biểu hiện ngại, lười, thiếu tự giác học tập, nghiên cứu, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết… của Đảng. Ở một khía cạnh khác, những năm gần đây thực hiện chủ trương tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nên số lượng nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng lên. Dung lượng văn bản dài, đề cập nhiều nội dung quan trọng và đều có yêu cầu chỉ đạo phải được phổ biến đến chi bộ, trong khi đó, thời gian dành cho việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở không nhiều, buộc cấp ủy các cấp phải lồng ghép nhiều nội dung trong một hội nghị, nên chưa dành thời gian thỏa đáng để CBĐV nghiên cứu, thảo luận, giải đáp thắc mắc trong quá trình học tập. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp thu của CBĐV đối với tinh thần, nội dung chỉ thị, nghị quyết… của Đảng.
Thêm vào đó, đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên các cấp, mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong truyền đạt, quán triệt chỉ thị, nghị quyết… của Đảng nhưng vì nhiều nguyên do nên hiện vẫn có trường hợp năng lực, phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ tuyên truyền miệng còn hạn chế. Không ít báo cáo viên chỉ mới dừng lại ở việc trình bày nội dung chỉ thị, nghị quyết theo đề cương của Trung ương mà chưa có nhiều nội dung liên hệ gần sát, phù hợp với thực tiễn cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là nội dung liên quan đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết.
Cùng với khắc phục những hạn chế trong tổ chức các hội nghị tập trung, theo đồng chí cần lưu tâm đến vấn đề gì, để qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết?
Qua thực tế nhiều năm tham gia công tác tuyên giáo, báo cáo viên ở cả trong và ngoài quân đội, tôi thấy để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính thiết thực trong học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết... của Đảng, cấp ủy và hệ thống tuyên giáo cần chú ý chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chu đáo phần thảo luận, viết thu hoạch của mỗi cá nhân CBĐV cũng như xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của TCĐ các cấp. Cùng với đó, cấp ủy và cơ quan tuyên giáo các cấp cần thường xuyên chăm lo, duy trì thực hiện tốt hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng.
Đồng chí có thể nói cụ thể hơn về nội dung thường xuyên chăm lo, duy trì thực hiện tốt hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng?
Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các luồng thông tin dưới nhiều hình thức vừa có dung lượng, thời lượng lớn, vừa đa diện, đa chiều. Cùng với đó, nhiều luồng thông tin xấu độc của các thế lực thù địch cũng len lỏi vào đời sống cộng đồng xã hội, gây ra những tác hại không nhỏ. Chính vì thế vai trò của đội ngũ báo cáo viên, giảng viên lý luận chính trị, tuyên truyền viên trong hoạt động tuyên truyền miệng đối với các đảng bộ, chi bộ cơ sở, đặc biệt là các đảng bộ, chi bộ khu vực nông thôn, khu vực doanh nghiệp… rất cần được quan tâm chú trọng. Bởi vì chất lượng hoạt động báo cáo viên cơ sở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nghiên cứu, quán triệt, chuyển tải, lan tỏa tinh thần, nội dung nghị quyết, chỉ thị, quy định… của Đảng đến CBĐV, nhân dân cũng như thực tiễn đời sống.
Vậy theo đồng chí để thực hiện tốt hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng thì phải quan tâm đến những vấn đề cụ thể nào?
Theo tôi, quan tâm đến chất lượng hoạt động báo cáo viên, trước hết là quan tâm cập nhật kiến thức mới, quan tâm hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên được phân công trực tiếp phụ trách nhiệm vụ quán triệt, truyền đạt, phổ biến chỉ thị, nghị quyết.
Với mỗi báo cáo viên, cần trau dồi kiến thức, cầu thị học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp có uy tín. Trong truyền đạt chỉ thị, nghị quyết cần tránh các khuynh hướng: (hoặc) nghiêng nhiều về nói chuyện thời sự, sa vào phản ánh những vụ việc tiêu cực, nhạy cảm, gợi trí tò mò, hiếu kỳ mà dẫn đến ít có thời gian giới thiệu, quán triệt, phân tích nội dung cốt lõi của chỉ thị, nghị quyết, những chủ trương, định hướng lớn của cấp uỷ các cấp; (hoặc) rập khuôn máy móc theo phương pháp truyền đạt của báo cáo viên cấp uỷ cấp trên, ít có những liên hệ, vận dụng cụ thể, sát gần điều kiện thực tiễn cũng như nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở địa phương, đơn vị cơ sở.
Xin đồng chí đóng góp thêm ý kiến nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết… của Đảng trong giai đoạn hiện nay!
Cấp cơ sở là nơi trực tiếp cụ thể hóa tinh thần, nội dung chỉ thị, nghị quyết… của Đảng vào thực tế đời sống, trong khi đó thời gian học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết ở cấp cơ sở thường bị rút ngắn. Thông tin về nội dung chỉ thị, nghị quyết càng bị dồn nén, cô đặc, vừa khó cho người tiếp thu, vừa khó cho báo cáo viên chịu trách nhiệm truyền đạt, phổ biến. Trong một khoảng thời gian ngắn, báo cáo viên vừa phải "chạy lượt" tất cả các nội dung chỉ thị, nghị quyết, vừa phải phân tích, lý giải những vấn đề đặt ra giữa lý luận và thực tiễn, rồi liên hệ, vận dụng bảo đảm gần sát, phù hợp với thực tế cơ sở... điều đó đòi hỏi mỗi báo cáo viên phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, thực sự có trình độ, năng lực, kinh nghiệm vững vàng.
Bên cạnh đó, cấp ủy và cơ quan tuyên truyền cần có sự cân nhắc lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết sao cho phù hợp, hiệu quả. Bởi vì dù hình thức trực tuyến, trực tiếp, hoặc kết hợp trực tuyến với trực tiếp, dù hội nghị tập trung trên phạm vi rộng, hay hội nghị phân nhánh theo phạm vi hẹp… thì yêu cầu trước hết là phải luôn đảm bảo sự nghiêm túc, đúng quy định và phải coi trọng chất lượng, hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thế Vĩnh