Sign In

Hội Nông dân Hà Tĩnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân

16:46 01/08/2023
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do hậu quả nặng nề của trận lũ tháng 10/2020, bệnh dịch COVID-19, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao…, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là hoạt động hỗ trợ nông dân.

Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh làm thủ tục cho nông dân xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang vay vốn

Với phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xác định đào tạo nghề, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Từ đó, tăng cường chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh dạy nghề, tập huấn cho hội viên, nông dân; chú trọng khâu thực hành để sau đào tạo nghề hội viên, nông dân có thể tạo việc làm từ nghề đã học. Các cấp Hội đã trực tiếp đào tạo nghề cho 2.292 lao động nông thôn, phối hợp đào tạo 14.410 lao động. Ngoài ra, còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để nhân rộng, như: Triển khai Đề án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển mô hình nuôi ong lấy mật” tại xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên; xây dựng 13 mô hình trồng cây ăn quả (ổi, cam, bưởi) theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh; 07 mô hình sản xuất lúa tại các huyện Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên; xây dựng mô hình trồng rừng FSC, mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi và mô hình “5 không” tại huyện Vũ Quang… Đồng thời tổ chức 367 cuộc hội thảo, tư vấn việc làm cho trên 15.000 lao động, giới thiệu 514 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Hội Nông dân huyện Nghi Xuân phối hợp với doanh nghiệp cung ứng phân bón bằng hình thức trả chậm cho nông dân

Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, tổng dư nợ phối hợp cho vay tại các ngân hàng là 3.745,787 tỷ đồng với 60.856 hộ vay, tăng 1.490,841 tỷ đồng so với 5 năm trước. Các cấp Hội còn phối hợp quản lý cho vay 55,553 tỷ đồng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (tăng 22,874 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ); phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 42.800 tấn phân bón các loại, 120 tấn phân hữu cơ vi sinh, 100 tấn vôi, 210.000 cây giống các loại.

Để giúp nông dân hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2023”; tổ chức ký kết và triển khai thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025”; thành lập các gian hàng tham gia các hội chợ, lễ hội cam, Festival sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, nhằm hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập được 27 cửa hàng nông sản an toàn, cập nhật thông tin 34.000 hộ sản xuất, kinh doanh, 128 sản phẩm OCOP lên lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; đã kết nối tiêu thụ trên 2.500 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh...

Nhờ được dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn, cung ứng vật tư dưới hình thức trả chậm, được hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, ngày càng có nhiều nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở mang nghề mới, khôi phục các nghề truyền thống, tăng thu nhập, tạo việc làm và sản phẩm cho xã hội. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 1.069 hộ có thu nhập từ 01 tỷ đồng trở lên, 5.889 hộ có thu nhập từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng... Hoạt động của các cấp Hội Nông dân góp phần quan trọng làm cho nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Chăn nuôi phát triển đa dạng; xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hươu, trâu, bò, lợn quy mô tập trung, theo hình thức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết số 01-NQ/HNDT, Nghị quyết số 02-NQ/HNDT của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức Hội các cấp” và “Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân”, nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Dương Trí Thức (Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh)

Tag:

File đính kèm