
Tín đồ tôn giáo ở xã Xà Phiên góp sức thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương.
Điều đáng quý là nhiều người dân sẵn sàng đóng góp ngày công lao động để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đồng bào mình, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Để đẩy nhanh tiến độ và giúp người dân tiết kiệm chi phí trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ phối hợp ra mắt thực hiện mô hình “Tôn giáo tham gia xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát”.
Mô hình là nơi tập hợp những tấm lòng thiện nguyện của tín đồ các tôn giáo trên địa bàn xã với mong muốn góp sức giúp đồng bào mình “an cư lạc nghiệp”.
Ông Danh Hình, tín đồ tôn giáo ở ấp 4, xã Xà Phiên, tham gia ngay khi biết Ủy ban MTTQ Việt Nam xã ra mắt thực hiện mô hình, vì hiểu rằng đây là việc làm rất ý nghĩa. Nhiệm vụ của ông và các thành viên trong mô hình là giúp tháo dỡ nhà phục vụ cho việc thi công; đến nay nhóm của ông đã giúp cho 4 hộ dân, với 39 ngày công lao động.
Ông Danh Hình cho biết, có hơn 10 người dân tham gia tháo dỡ nhà cho 1 hộ, không khí làm việc lúc nào cũng khẩn trương, náo nhiệt, mỗi người làm hết sức mình vì cái tâm muốn giúp xóm giềng.
“Chúng tôi và hộ cần giúp đỡ không hề có họ hàng thân thích nhưng sẵn sàng hỗ trợ khi họ cần. Chúng tôi thường đem theo nước uống để không làm phiền đến gia đình, bởi những hộ này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên tiết kiệm cho họ được đồng nào thì đỡ đồng nấy. Khi xong việc thì chúng tôi về nhà ăn cơm”, ông Danh Hình chia sẻ.
Câu chuyện của ông Danh Hình và nhiều tín đồ tôn giáo ở xã Xà Phiên đã lan tỏa, tô thắm thêm truyền thống tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của dân tộc. Họ ăn cơm nhà nhưng lo chuyện của người khác, góp phần mang lại niềm vui cho nhiều hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Gia đình bà Quách Thị Lạt, ở ấp 5, xã Xà Phiên, được xây nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bà Lạt già yếu lại neo đơn nên không thể tự tháo dỡ căn nhà cũ. Nhờ sự giúp sức của ông Danh Hình và nhiều người nên việc tháo dỡ nhà của bà được thực hiện nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công. “Mọi người giúp tôi tháo dỡ nhà là vì cái tâm. Tôi rất biết ơn vì điều đó”, bà Lạt cho biết.
Ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, việc người dân góp sức thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng là dấu ấn đẹp thông qua mô hình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Tính đến nay, đã giúp tháo dỡ nhà cho 11 hộ với hơn 100 ngày công lao động. Riêng cá nhân ông Thái Văn U, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, đóng góp 10 ngày công lao động giúp 2 hộ tháo dỡ nhà.
Chia sẻ về việc mình làm, ông U cho biết khi việc đồng áng đã xong, ông dành thời gian rảnh rỗi để làm việc tốt giúp người, xem đó là niềm vui trong cuộc sống.
“Mỗi lần giúp tháo dỡ xong một căn nhà là lòng tôi thấy hân hoan khó tả. Bởi công sức mình bỏ ra đã mang lại niềm vui cho những người vốn đã chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Đáng nói là nhiều người có cùng chung suy nghĩ và hành động giống như tôi”, ông U chia sẻ.
Những việc làm của ông Hình, ông U xuất phát từ tấm lòng yêu thương đồng bào, tinh thần tương thân, tương ái… Những căn nhà được thành hình, đáp ứng đủ tiêu chí “nền cứng, tường cứng, mái cứng” chính là kết tinh của tình nghĩa đồng bào, là thành quả ngọt ngào của phong trào thi đua có ý nghĩa sâu sắc.
TRƯỜNG SƠN