Sign In

Tỉnh Hoà Bình đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

14:43 03/07/2024
Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm, coi trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định về công tác an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin như: Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình... ; các chương trình, kết hoạch, văn bản cảnh báo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn thông tin: Kế hoạch ứng phó sự cố đảm bảo an toàn thông tin mạng, Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Qua đó, tạo hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan, cá nhân thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh mạng với 100% các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã ban hành quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị.
 
Đối với các cơ quan khối Đảng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước nói chung, bảo đảm an toàn, an ninh mạng nói riêng được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của Đảng. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được đề cao; tuân thủ theo quy chế quản lý, sử dụng và bảo vệ mạng thông tin diện rộng của Đảng, không kết nối luân phiên mạng thông tin diện rộng của Đảng với mạng Internet. Triển khai tường lửa, phần mềm phòng chống virus bản quyền, hệ thống cập nhật, vá lỗi,... Các trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin của hệ thống máy chủ Văn phòng Tỉnh ủy được đơn vị chức năng của Bộ Công an kiểm tra an ninh trước khi đưa vào sử dụng, cài đặt phần mềm giám sát an toàn thông tin EDR86 cho hệ thống máy tính kết nối mạng thông tin diện rộng của Đảng.
 
Thường xuyên kiện toàn Đội Ứng cứu xử lý sự cố an toàn thông tin (ATTT) mạng của tỉnh để thực hiện các hoạt động ứng cứu, xử lý, khắc phục sự cố gây mất ATTT mạng trên địa bàn tỉnh, tham gia hoạt động ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTT mạng quốc gia khi có yêu cầu của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTT mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cơ quan điều phối quốc gia. 
 
Tỉnh đã triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng mô hình 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Triển khai thuê dịch vụ hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) của Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025. Định kỳ hằng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện rà quét, kiểm tra, đánh giá tình hình an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý lỗ hổng bảo mật có nguy cơ được tin tặc lợi dụng tấn công, phát tán mã độc. Bên cạnh đó, có 08 đơn vị có trang bị thiết bị tường lửa, hệ thống sao lưu dữ liệu, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế.
 
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai giải pháp phòng, chống mã độc tập trung để giám sát an toàn thông tin cho hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống tin dùng chung đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (35 máy chủ) và 90% máy trạm cài phần mềm phòng, chống mã độc, tuy nhiên tỷ lệ các máy trạm cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc miễn phí vẫn còn khá lớn, chiếm khoảng 40%. Trong đó có trên 30% được chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 69 hệ thống thông tin do các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, vận hành được phân loại cấp độ an toàn mức độ 1, 2 và mức độ 3, trong đó: 07 hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ an toàn mức độ 3. Tỉnh Hòa Bình cũng đã triển khai dán nhãn tín nhiệm mạng cho 181 Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Hoà Bình từ cấp tỉnh tới cấp xã, đạt tỷ lệ 100%. Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của tỉnh đồng thời tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo về an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Triển khai thực hiện các quy định, kế hoạch về ứng phó sự cố; các hoạt động của đội ứng cứu sự cố và tham gia hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
 
Tuy nhiên, hiện nay cán bộ, công chức phụ trách về ATTT tại các cơ quan nhà nước đa phần là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về ATTT, thiếu điều kiện thực hành để nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác thông tin trên môi trường mạng. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của một số bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTT; kinh phí cho công tác bảo đảm ATTT còn thiếu; đối với nhiều dự án ứng dụng CNTT đã được bố trí kinh phí thì phần kinh phí dành cho bảo đảm ATTT chưa có được tỉ lệ tương xứng, dẫn đến trang thiết bị, phần mềm bảo vệ ATTT hiện chưa được đầu tư đầy đủ. Bên cạnh đó sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và thực tiễn vận động của không gian mạng tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ANTT, bảo vệ cơ sở dữ liệu thiết yếu, phòng, chống tội phạm mạng. Các quy định của pháp luật về an ninh, ATTT của Việt Nam còn chưa theo kịp nhu cầu sử dụng và sự phát triển của công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu, trong khi ý thức bảo vệ thông tin, ATTT khi sử dụng máy tính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn hạn chế.
 
Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng, phát triển CNTT, chuyển đổi số; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng và phát triển CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT hợp với đặc thù phát triển kinh tế của tỉnh; xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức làm CNTT các cơ quan Đảng, nhà nước và cơ chế đánh giá thi đua khen thưởng hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với tiêu chí xếp hạng ứng dụng CNTT. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước, có thương hiệu trong các công trình, hệ thống thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; khuyến khích áp dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT. Rà soát, sửa đổi, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh…
Bảo An
 
 
 
 

Tag:

File đính kèm