Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh giải ngân được 1.164,3 tỷ đồng; đạt 34% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ, đạt 31% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án, số tuyệt đối cao hơn khoảng 96 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. So với kỳ họp giải ngân trước (ngày 30/6/2024), toàn tỉnh đã giải ngân thêm 319,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng thêm là 9% kế hoạch vốn Thủ trướng Chính phủ giao.
Đối với kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, đến 31/7, tổng số vốn kéo dài đã thực hiện giải ngân là 177,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 80 tỷ đồng, đạt 41%; vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân 97,6 tỷ đồng, đạt 2,1%; vốn nước ngoài (ODA) chưa thực hiện giải ngân.
Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công chậm, tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, ban quản lý các dự án chuyên ngành của tỉnh báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ. Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đạt kết quả tương đương so với trung bình cả nước (Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân trung bình tháng 7/2024 của cả nước ước đạt 31,6%). Bên cạnh những nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như Vốn theo tiêu chí, định mức ngân sách tỉnh (61%), nguồn thu từ xổ số kiến thiết (46%) , vốn nước ngoài (ODA) đạt 60% thì các nguồn vốn chương trình đều có tỷ lệ giải ngân chưa cao (dưới 30%). Trong đó, vướng mắc, khó khăn trong giải ngân VĐTC ở các dự án lớn, trọng điểm. Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang hoàn thiện thủ tục giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng nên tỷ lệ giải ngân còn thấp. Dự án Đường liên kết vùng Hoà Bình với Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, dự án trọng điểm khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó không thể điều chuyển vốn cho các dự án khác cùng nguồn vốn, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh. Việc giải ngân đối với nguồn vốn ODA cũng rất mất thời gian do phải đảm bảo quy định của nhà tài trợ, các công việc đều phải xin ý kiến từ Trung ương, việc rút vốn phải thông qua Bộ Tài chính,...
Một số dự án gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chủ yếu là vướng mắc về đơn giá và phương án đền bù còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của một số hộ dân (đặc biệt là về số tiền bồi thường khi bị thu hồi đất), một số chủ đầu tư còn thiếu sát sao, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng thi công.
Thiếu nguồn vật liệu đắt đắp ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án. Việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ rất nhiều thủ tục phải qua nhiều các cơ quan từ địa phương đến Trung ương, kéo dài thời gian hiện đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án. Các dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu được phân bổ chi tiết chậm, hầu hết các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng để giải ngân. Số vốn đã giải ngân chủ yếu từ những dự án được kéo dài thời gian giải ngân từ năm 2022, 2023 sang năm 2024.
Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư nghiêm túc nhìn nhận những lý do khách quan, chủ quan, hạn chế, yếu kém, từ đó rút kinh nghiệm, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân thời gian tới. Quá trình thực hiện, yêu cầu thay thế kịp thời những vị trí công tác yếu kém về năng lực, trì trệ trong công việc và nghiêm khắc xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân VĐTC. Cần kịp thời đề xuất và thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các dự án cho phù hợp. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; thực hiện giám sát thi công và quản lý chất lượng công trình. Giao các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ phối hợp khắc phục những hạn chế, tồn tại về nội dung liên quan tới việc đào tạo cấp chứng chỉ nghề, sắp xếp vị trí việc làm lĩnh vực quản lý xây dựng. Tiếp tục rà soát, khắc phục những hạn chế trong phân công nhiệm vụ và quản lý đầu tư công. Kiểm soát nợ quá hạn. Khắc phục những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân VĐTC đạt thấp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến 30/9, giải ngân đạt 70% số kế hoạch VĐTC năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao; yêu cầu các chủ đầu tư quyết liệt triển khai và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Lê Thùy