Sign In

Lạc Thuỷ: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

14:16 04/04/2024
Trong những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW và chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai thực hiện tốt các mặt công tác như: giáo dục - đào tạo, khoa học -  công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội,… Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Huyện ủy chỉ đạo đưa việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Bộ Chính trị trở thành một trong những nội dung quan trọng để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chú trọng. Việc đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, nhất là việc đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học với 162 phòng hành chính quản trị; 37 phòng y tế học đường; 01 phòng nội trú học sinh; 54 phòng công vụ giáo viên; 44 bếp - nhà ăn; 167 khu vệ sinh học sinh. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường hằng năm đạt trên 99%; 10/10 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở (THCS). Đến nay huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2. Toàn ngành có 575 phòng học (trong đó: 566 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 98,4%; 09 phòng bán kiên cố chiếm tỷ lệ 1,6%; không còn phòng học tạm); 77 phòng học bộ môn; 04 phòng đa năng; 42 phòng thư viện; 27 phòng 73 khu vệ sinh giáo viên, 40 nhà thường trực bảo vệ; 100% các trường học có sân chơi, bãi tập, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp.   

Hoạt động văn học - nghệ thuật đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn huyện đã phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác góp phần tích cực vào công tác quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Lạc Thủy với bạn bè trong và ngoài nước.

Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển rộng khắp và thường xuyên, nhất là trong học sinh, sinh viên; phong trào thể dục thể thao được tổ chức rộng rãi. Toàn huyện, hiện nay có trên 33,9% dân số tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, số hộ gia đình thể thao là 31,5%, tỷ lệ người dân tham gia rèn luyện sức khỏe ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh: Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, có 12738/15954 hộ, bằng 79,8%; đến năm 2023 có 15968/17265 hộ bằng 92,48%.

Việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa trong những năm qua được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả, phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao trong cán bộ, công nhân, viên chức phát triển mạnh... Năm 2014, toàn huyện có 81/90 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt văn hoá, bằng 90%; đến năm 2023 có 89/92 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt văn hoá, bằng 96,7%.

Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được quan tâm chỉ đạo trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả.

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong huyện được quan tâm thực hiện. Hoạt động văn học, nghệ thuật của huyện đã có sự phát triển đa dạng, các tác giả, nghệ nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực này đều là tác giả nghiệp dư với các tác phẩm chủ yếu trên lĩnh vực thơ ca, hò, vè, các điệu hát, các điệu múa dân gian. Trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ hiện có 6 di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận di tích quốc gia, 11 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Về phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá,công tác quảng bá du lịch của huyện gắn liền với quảng bá các giá trị, nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc trong huyện, về ẩm thực, về phong cảnh thiên nhiên... được đẩy mạnh, truyền tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào huyện.

Về hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, nhất là các thôn, xã còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đồng thời làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân và thu ngân sách cho Nhà nước.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có bước trưởng thành. Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành nhằm xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hoạt động văn hóa, văn nghệ theo xu hướng thương mại hóa thuần túy và tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa tâm linh để vụ lợi hoặc thực hiện ý đồ xấu. Tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Gắn nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo thực hiện phát triển sự nghiệp văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng vững mạnh hệ thống chính trị cho cấp ủy đảng các cấp, nhất là cơ sở.

Các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật luôn được khuyến khích; hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện được khôi phục hình thành nên những nét riêng, tạo nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc, nhiều phong tục tập quán, lễ hội được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay như: Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội đình Niếng xã Hưng Thi, Lễ hội Đền Rem thị trấn Chi Nê....

Hiện nay, đội ngũ làm công tác văn hóa (cả trong biên chế nhà nước và kiêm nhiệm, cộng tác viên...) là trên 100 người. 100% cán bộ làm công tác văn hoá ở huyện và 10 xã, thị trấn có trình độ Cao đẳng, Đại học; hằng năm, 100% các đồng chí được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác bảo tồn và phát triển văn hoá được các cấp uỷ, chính quyền đặc biệt quan tâm. Toàn huyện hiện có 01 đội văn nghệ của huyện, 10 đội văn nghệ của xã, thị trấn, 100% các thôn, khu dân cư có đội văn nghệ. Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp; hàng năm tổ chức được hàng chục buổi tuyên truyền, giàn dựng các chương trình biểu diễn văn nghệ công phu, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần vào việc tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các loại hình văn hóa người Mường tiếp tục được bảo tồn và phát huy rộng khắp trên địa bàn huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều câu lạc bộ như: CLB bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Mường, CLB hát Chầu văn, 03 CLB Chiêng,… với gần 300 thành viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Những năm qua, huyện đã chú trọng tăng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá theo phương châm: Tăng mức đầu tư cho văn hoá từ nguồn chi thường xuyên, nguồn chi phát triển trong ngân sách Nhà nước, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và các nguồn vốn, dự án khác của địa phương để đảm bảo cho hoạt động phát triển văn hoá. Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã chi hàng tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ dân sinh và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 100% các xã của huyện đã về đích nông thôn mới, và năm 2020 huyện Lạc Thuỷ vinh dự được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện cũng luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch của huyện, từng bước kết nối giữa các cụm di tích trong huyện với các địa phương trong tỉnh và tỉnh lân cận.

Những kết quả trên góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đ.T

 

 

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều