Từ năm 2019 đến nay, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã tích cực chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những hoạt động thiết thực hiệu quả. Chỉ tính riêng trong “Tháng hành động vì môi trường” hằng năm, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện đã tổ chức được 242 buổi mít-tinh, tuyên truyền cổ động, tập huấn đã thu hút trên 17.822 người tham gia; treo 166 băng-rôn; phát được hơn 3.192 tờ rơi các loại về chủ đề phân loại rác thải tại nguồn cho nhân dân các xã, thị trấn;…
Một trong những hoạt động tuyên truyền hiệu quả, đi vào thực tiễn trong đời sống hiện nay là các mô hình “chống rác thải nhựa” thiết thực, được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, có thể kể đến như: mô hình của cơ quan Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện và nhiều các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong các hội nghị, các sự kiện của cơ quan, đơn vị cũng như trong sinh hoạt gia đình. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện đã phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” đã được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia trong suốt thời gian qua.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đã phát huy hiệu quả. Nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân không ngừng được nâng cao. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường đã được cụ thể hóa phù hợp với địa phương. Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện ngay từ đầu ở giai đoạn dự án, nhất là các dự án buộc phải lập đánh giá tác động môi trường. Từ đó, góp phần kiềm chế, làm chậm lại tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống cho Nhân dân.
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có bước chuyển biến rõ nét, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại thị trấn Cao Phong tăng từ 92% (năm 2019) lên 98% (năm 2024). Nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình đa số đều có bố trí hầm tự hoại để xử lý trước khi thải ra môi trường, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư cơ bản được thu gom, xử lý đúng quy định. Chất thải rắn trong quá trình sản xuất công nghiệp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ cơ bản thực hiện theo đúng quy định (có hợp đồng thu gom rác với đơn vị thu gom ở địa phương). Đối với chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đa số các cơ sở có hợp đồng thu gom với đơn vị có chức năng để thu gom xử lý. Đối với chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng có bước chuyển biến rõ nét, rơm rạ sau thu hoạch đã phần nào được thu gom và phục vụ trồng trọt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 02 lò đốt rác thải sinh hoạt, 04 điểm thu gom, tập kết, chôn lấp và xử lý rác tại các địa bàn. Để công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện được đáp ứng, trong quá trình xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030, Ủy ban nhân dân huyện đã và đang tiến hành quy hoạch bãi thải, xử lý chất thải với tổng diện tích lên đến 15,02ha (tăng 8,32ha so với thời điểm trước năm 2021) và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 13/9/2021 về việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021- 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
Xác định việc bảo vệ môi trường là rất quan trọng nên huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung làm tốt công tác xử lý rác thải tại chỗ và yêu cầu các phòng chức năng liên quan phối hợp với các xã, thị trấn duy trì phong trào vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hàng tuần; phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường tại nhà, khu dân cư, các điểm công cộng, đường làng, ngõ xóm... Ngoài ra, các xã, thị trấn còn tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường; phối hợp với các ngành, đoàn thể phát động phong trào bảo vệ môi trường lồng ghép với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, từng bước hình thành nếp sinh hoạt trong việc giữ gìn môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn. Việc thu gom rác thải ở huyện Cao Phong đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Điều này không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí thứ 17 trong xây dựng nông thôn mới.
Thu Trang (BTGTU)