Đảng bộ tỉnh Hòa Bình hiện có 13 đảng bộ trực thuộc với 510 tổ chức cơ sở đảng, bao gồm 279 đảng bộ cơ sở và 231 chi bộ cơ sở; 08 đảng bộ bộ phận; 3.184 chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận, đảng ủy cơ sở. Tại thời điểm 31/12/2022, toàn Đảng bộ tỉnh có 69.190 đảng viên, trong đó: 67.155 đảng viên chính thức và 2.035 đảng viên dự bị.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch đề ra chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện công tác phát triển đảng viên hằng năm và trong cả nhiệm kỳ. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả; quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác rà soát nguồn phát triển đảng viên để lựa chọn quần chúng ưu tú đưa vào danh sách đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng và phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ. Nhờ đó số lượng đảng viên trong Đảng bộ tỉnh ngày càng tăng, chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng cao cả về trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị… nhất là đảng viên ở vùng sâu, xa. Qua đó, khắc phục tình trạng khu dân cư không có đảng viên và tổ chức Đảng. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, đảng bộ các huyện, thành phố kết nạp được tổng số 10.980 đảng viên, đạt 88,48% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, kết quả kết nạp đảng viên của các đảng bộ huyện, thành phố năm 2021 là 1.394 đảng viên, đạt 110,63% so với kế hoạch; năm 2022, kết nạp được 1.457 đảng viên, đạt 104,82% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chất lượng đảng viên mới được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ trên 90% đảng viên mới kết nạp có trình độ văn hóa Trung học phổ thông luôn được duy trì. Số đảng viên mới được kết nạp có trình độ chuyên môn ngày càng cao: Năm 2022, số đảng viên mới kết nạp có trình độ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ là 09 đảng viên, chiếm 0,55%, số đảng viên mới kết nạp có trình độ trung cấp là 136 đảng viên, chiếm 8,31%; cao đẳng là 173 đảng viên, chiếm 10,57%; đại học là 772 đảng viên, chiếm 47,19%; thạc sỹ 36 đảng viên, chiếm 2,2%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên hiện nay ở Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nói chung và các Đảng bộ huyện, thành phố nói riêng còn một số hạn chế như: Số lượng đảng viên được kết nạp có xu hướng giảm (6 tháng đầu năm 2023, tổng số đảng viên mới kết nạp trong toàn tỉnh là 787 người, chỉ đạt 37,8% kế hoạch đề ra); chất lượng kết nạp đảng viên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa cao; công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên, nhất là bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới ở khu vực nông thôn, khu phố, tổ dân phố, doanh nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn. Nhận thức về Đảng, mục đích, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít quần chúng chưa đúng đắn. Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Số đảng viên đi làm ăn xa, lưu động tự bỏ sinh hoạt đảng phải xem xét xóa tên đảng viên còn diễn ra ở hầu hết các đảng bộ; tình trạng đảng viên không thiết tha gắn bó với Đảng, xin ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng. Việc xây dựng tổ chức đảng khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế; hoạt động các tổ chức đoàn thể chất lượng chưa cao, nội dung, hình thức hoạt động còn lúng túng; vai trò, vị trí trong doanh nghiệp còn mờ nhạt…
Nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp sau:
Một là, Ban thường vụ cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định, văn bản của Đảng, nhất là nghị quyết, văn bản về công tác phát triển đảng viên, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, bảo đảm công tác phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng, không vì chỉ tiêu mà hạ thấp tiêu chuẩn kết nạp đảng viên mới; các cấp ủy, tổ chức đảng khi xây dựng nghị quyết đại hội nhiệm kỳ phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới phù hợp với Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Hai là, các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên cần thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đến đảng viên, quần chúng, nhân dân nâng cao nhận thức về Đảng. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết, các văn bản của cấp ủy cấp trên về công tác phát triển đảng, trong đó tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của người đảng viên, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của đảng viên, quần chúng, nhân dân về công tác phát triển đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiền phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó có sức ảnh hưởng, lan tỏa, tác động tích cực đến quần chúng, nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng phát triển đảng viên.
Ba là, hằng năm xây dựng kế hoạch, khảo sát nguồn và giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cụ thể cho các tổ chức đảng ngay từ đầu năm; làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên, quan tâm nguồn kết nạp đảng trong các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành y tế, giáo dục, các loại hình doanh nghiệp, trong nhân dân, giới thiệu cho tổ chức đảng kết nạp đảng viên mới. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp bồi dưỡng đảng viên mới bảo đảm nghiêm túc, chất lượng; những nơi khó khăn, đối tượng đặc thù có thể tổ chức hình thức học trực tuyến hoặc bố trí học vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính, theo cụm cho phù hợp. Mở lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác phát triển Đảng cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên làm công tác phát triển Đảng.
Tạo điều kiện, môi trường công tác, làm việc cho quần chúng phát huy khả năng, năng lực, được cống hiến và phấn đấu vào Đảng. Qua đó phát hiện và xây dựng kế hoạch phân công cấp ủy viên, đảng viên phụ trách theo dõi, giúp đỡ quần chúng, đề nghị cấp ủy giới thiệu cử đi bồi dưỡng nhận thức về Đảng, khi đủ điều kiện kịp thời kết nạp đảng viên.
Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thường xuyên giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tính chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; thực hiện tốt phê bình và tự phê bình trong việc giao nhiệm vụ cấp ủy viên, đảng viên giúp đỡ, giới thiệu quần chúng ưu tú, tích cực cho tổ chức đảng gắn với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và công tác thi đua, khen thưởng; không để xảy ra tình trạng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, mất đoàn kết, nể nang, né tránh, thiếu trách nhiệm, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, lợi ích nhóm trong sinh hoạt đảng và công tác phát triển đảng viên; làm tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên; thực hiện chặt chẽ việc miễn công tác và sinh hoạt Đảng.
Năm là, phân công cấp ủy viên các cấp thường xuyên sâu sát, chỉ đạo, đôn đốc, định kỳ mỗi tháng phải kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phát triển đảng viên ở tổ chức đảng được phân công phụ trách. Lấy kết quả thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng viên là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp, nhất là người đứng đầu. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phát triển đảng; nhắc nhở, phê bình các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị và cá nhân người đứng đầu thiếu trách nhiệm, kết quả kết nạp đảng viên hằng năm đạt thấp.
Sáu là, làm tốt công tác quản lý, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và công tác kiểm tra, giám sát đối với chi bộ, đảng viên. Thường xuyên theo dõi, rà soát, kịp thời phát hiện đảng viên có năng lực, uy tín, triển vọng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, giới thiệu nhân sự, quy hoạch, bầu vào các vị trí cao hơn; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện có nền nếp Quy định số 32-QĐi/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phân công nhiệm vụ của cấp ủy viên đối với việc theo dõi, phụ trách cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; gắn trách nhiệm của cấp ủy cấp trên với kết quả hoạt động của cấp ủy, chi bộ cấp dưới trong kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm, bao gồm công tác phát triển đảng viên. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28- CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Bảy là, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua thiết thực, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên, qua đó phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên.
Tin tưởng rằng, các giải pháp nêu trên được cấp ủy các cấp quan tâm sát sao và thực hiện đồng bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các đoàn thể và đảng viên, nhất định công tác phát triển đảng ở các đảng bộ huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ có nhiều khởi sắc, đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Ths. Nguyễn Thị Đa
(Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hòa bình)