Ra mắt đội thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự và mô hình điểm “Khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội” tại xã Thu Phong, huyện Cao Phong
Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, trong đó nâng cao chất lượng công tác điều trị người nghiện ma túy, tăng cường kiểm soát các nhà hàng, nhà nghỉ nơi dễ nảy sinh tệ nạn xã hội để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 24/3/2023 công tác cai nghiện ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 14/4/2023 kiểm tra thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2023; Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Bên cạnh đó, xác định tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn đến cộng đồng dân cư, nhất là các thanh, thiếu niên và nhóm những người có nguy cơ cao. Tăng cường phối hợp với các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động của một số mô hình phòng, chống ma túy, mại dâm như: “Mô hình xã, phường thị trấn lành mạnh không có ma túy mại dâm”, “Mô hình cựu chiến binh với công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Mô hình Làng không ma túy”, “Mô hình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”…
Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức điều tra, rà soát, thống kê đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, phụ nữ bỏ nhà đi làm ăn xa không rõ lý do địa chỉ; tụ điểm, ổ nhóm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Hoạt động sự nghiệp về chữa bệnh, cai nghiện phục hồi: Số học viên được quản lý trong kỳ là 751 người (Bắt buộc 679 người, tự nguyện 72 người); số học viên hoàn thành cai nghiện bàn giao về cộng đồng là 309 người (Bắt buộc 212 người, tự nguyện 97 người); số học viên hiện đang quản lý tại các Cơ sở là 442 người (Bắt buộc 467 người, tự nguyện 25 người).
Công tác điều trị Methadone: Đã tiếp nhận, duy trì điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 02 cơ sở là 129 người (Cơ sở Cai nghiện ma túy số I là 59 người; Cơ sở Cai nghiện ma túy số II: 70 người).
Tổ chức tư vấn, giáo dục cho học viên tại Cơ sở cai nghiện về kiến thức pháp luật, tác hại của ma tuý, phương pháp phòng chống các tệ nạn xã hội khác, chăm sóc sức khoẻ. Duy trì hoạt động giao ban cùng học viên và thực hiện một số hoạt động như: Giáo dục về thay đổi hành vi nhân cách 44 buổi cho 716 lượt học viên; giáo dục pháp luật 24 buổi cho 240 lượt học viên; phổ biến nội quy, quy chế của Cơ sở 54 buổi cho 432 lượt học viên; tư vấn nhóm về kiến thức HIV/AIDS cho 120 lượt học viên; tư vấn trước xét nghiệm HIV/AIDS cho 20 lượt học viên; tư vấn tái hòa nhập cộng đồng 6 buổi cho 88 lượt học viên; tư vấn cá nhân 60 buổi cho 270 lượt học viên.
Các Cơ sở Cai nghiện ma túy thực hiện nghiêm túc chế độ trực lãnh đạo, y tế, trực hành chính, trực quản lý bảo vệ, đảm bảo tốt các chế độ, chính sách đối với học viên, cai nghiện, chữa trị tại các cơ sở. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học viên đang cai nghiện, chữa trị tại cơ sở. Tổ chức khám và điều trị các bệnh thông thường cho 3.203 lượt học viên, bao gồm cả điều trị cắt cơn và điều trị bệnh lý thông thường. Tổ chức lao động trị liệu cho học viên trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, xây dựng các phương án lao động trị liệu hiệu quả, năng xuất, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Hải