Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử Đảng có nội dung quan trọng, ý nghĩa khoa học và thực tiễn được tổ chức triển khai. Nhận thức về vị trí, vai trò, tính cấp thiết của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của các cấp ủy, các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, phối hợp giữa đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng nói riêng được nâng lên một cách rõ rệt, ngày càng sâu sát, hiệu quả hơn. Các công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể đều được cấp ủy phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí trước khi tổ chức thực hiện; đồng thời, được tổ chức triển khai theo đúng quy trình: Sưu tầm - nghiên cứu - biên soạn; hội thảo - thẩm định - xuất bản và tuyên truyền giáo dục. Quá trình tổ chức triển khai công tác lịch sử Đảng đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử tham gia,… nên đã đóng góp, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị, ngày càng làm rõ hơn những vấn đề lịch sử chung của toàn Đảng bộ, cũng như của các địa phương, đơn vị. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và nhiều cấp ủy cơ sở đã chú trọng việc mời các cộng tác viên có trình độ chuyên môn tham gia nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn để đảm bảo chất lượng công trình.
Sau khi hoàn thành bộ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929 - 2010, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và xuất bản cuốn “Địa chí tỉnh Hòa Bình”; sưu tầm và biên soạn cuốn sách “Bác Hồ với tỉnh Hòa Bình” làm phong phú thêm lịch sử Đảng bộ tỉnh. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện 3 công trình lớn, đó là: Đề án sưu tầm, biên soạn, xuất bản bộ sách “Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020”; “Đảng bộ tỉnh Hòa Bình qua các kỳ Đại hội 1945 - 2025”; “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929 - 2025”. Đặc biệt bộ sách “Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020” được nghiên cứu và xuất bản sẽ là công trình đầu tiên phản ánh một cách khách quan, toàn diện và hệ thống lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như những đóng góp của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong quá trình dựng nước, giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Công trình góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy kho tàng tư liệu quý giá về vùng đất và con người Hòa Bình, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tính đến tháng 11/2023, có 10/10 huyện, thành phố đã xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Một số Đảng bộ như Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu, thành phố Hòa Bình, Đà Bắc, Lạc Sơn,… đã biên soạn, xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ huyện từ đến năm 2020. Trong 5 năm (2018 - 2023), các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy đã ban hành 17 công trình lịch sử Đảng bộ cấp huyện và 22 các công trình lịch sử khác; huyện Lương Sơn, Mai Châu, Cao Phong, Lạc Sơn đã hoàn thành lịch sử đảng bộ cấp xã theo đơn vị hành chính trước khi thực hiện Nghị quyết số 830/NQUBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đảng bộ thành phố Hòa Bình đã ban hành được 06 công trình lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành và lực lượng vũ trang, 18/19 xã, phường đã hoàn thành lịch sử Đảng bộ. Đảng bộ huyện Lạc Sơn đã ban hành được 08 công trình lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử truyền thống ngành. Đảng bộ huyện Tân Lạc đã ban hành được 11 công trình cả lịch sử đảng bộ địa phương và các công trình khác; riêng năm 2023; Đảng bộ huyện Đà Bắc xuất bản 05 công trình lịch sử Đảng bộ cấp xã,… Đảng bộ Quân sự tỉnh đã xuất bản 03 đề tài lớn là “Lịch sử kháng chiến tỉnh Hòa Bình”, “Lịch sử Quân sự tỉnh Hòa Bình”, “Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hòa Bình”; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức xây dựng lịch sử kháng chiến, lịch sử quân sự của địa phương. Đảng bộ Công an tỉnh trong 05 năm đã xuất bản 03 công trình lịch sử lịch sử, gồm “Lịch sử Công an nhân dân tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2001 - 2015”; “Biên niên sự kiện lịch sử Công an huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 1991 - 2016”; “Biên niên sự kiện lịch sử Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, giai đoạn 1991 - 2016”, Mặt trận Tổ quốc tỉnh năm 2020 đã xuất bản cuốn Kỷ yếu “90 năm truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình”,…
Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong toàn tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương; tổ chức hội thảo, toạ đàm, xây dựng nhà truyền thống, tượng đài kỷ niệm, gắn bia di tích cách mạng; triển lãm sách, ảnh tư liệu lịch sử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, thu hút hàng chục vạn lượt người giam gia. Các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đều thành công tốt đẹp, gây được nhiều ấn tượng sâu sắc, qua đó góp phần xây dựng lòng tin, sự gắn bó, yêu mến quê hương, đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đông đảo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ. Một số huyện tổ chức được các cuộc thi tìm hiểu rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về lịch sử đảng bộ huyện, truyền thống cách mạng của địa phương. Tiêu biểu như Đảng bộ huyện Tân Lạc, Công an tỉnh, Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy,... Việc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ được chú trọng. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu sinh hoạt chi bộ, trong đó có nội dung tuyên truyền về lịch sử Đảng, công tác xây dựng Đảng,… Các địa phương thực hiện tốt như: Thành phố Hòa Bình, các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Thủy, Cao Phong,…
Phương Thảo