Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng có vi phạm phải xử lý kỷ luật về đảng, kỷ luật về chính quyền và cả xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, tình hình vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn diễn biến phức tạp; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng…; một số tổ chức đảng yếu kém, buông lỏng kỷ luật, giảm sút tính chiến đấu, nội bộ mất đoàn kết… Thực tiễn đó đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm phải tiếp tục được tăng cường với mục tiêu xây dựng đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, từng bước giữ lòng tin của nhân dân, góp phần xây dựng đất nước phát triển.
Việc phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (DHVP) đối với tổ chức đảng, đảng viên có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Qua kiểm tra sẽ có kết luận rõ đúng, sai, xác định rõ vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để xem xét, xử lý kịp thời, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đảng, góp phần chủ động giáo dục, phòng ngừa, "răn đe"; ngăn chặn kịp thời, không để khuyết điểm trở thành vi phạm hoặc vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng; vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người, của tổ chức. Đồng thời giúp cho tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra thấy được ưu điểm để phát huy; khuyết điểm, vi phạm để khắc phục, sửa chữa; giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học kinh nghiệm; giúp tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội thấy được những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thấy được những quy định không còn phù hợp hoặc còn thiếu để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền của sửa đổi, bổ sung, ban hành.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đại hội XVII đến nay, ngành Kiểm tra của Đảng tỉnh Hòa Bình với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ủy đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt chủ động, kịp thời phát hiệu dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên tại Đảng bộ tỉnh Hoà Bình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đặc biệt là, nắm chắc tình hình diễn biến và hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc diện cấp ủy cùng cấp và cấp dưới quản lý để nhận biết, phát hiện, sàng lọc, phân tích, thanh lọc, lựa chọn, xác định DHVP, đối tượng vi phạm để xác định và quyết định, tiến hành kiểm tra khi có DHVP hoặc phục vụ các nhiệm vụ kiểm tra và công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong Đảng bộ tỉnh tiến hành kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có DHVP. Nội dung kiểm tra tập trung vào những vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội và nhân dân, cán bộ, đảng viên, các cơ quan thông tin, truyền thông quan tâm; đặc biệt là, cán bộ kiểm tra sắc bén trong việc nắm tình hình, phân tích đi sâu thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, nhận định, sàng lọc, lựa chọn thông tin, tài liệu cần thiết, chính yếu, có biểu hiện về khuyết điểm, hoặc DHVP có liên quan đến những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, nổi cộm đang được cán bộ, đảng viên, quần chúng, dư luận xã hội quan tâm, như: Việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thực hiện các dự án đầu tư công; mua sắm trang thiết bị; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương và công tác cán bộ...
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, với tinh thần "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "Mỗi tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, mỗi đảng viên dù giữ chức vụ cao hay thấp đều phải khép mình vào kỷ luật, kỷ cương của Đảng", khi nắm bắt, xác định rõ DHVP, cấp ủy, UBKT các cấp đều triển khai ngay việc tiến hành kiểm tra, xử lý, không chờ đợi, phụ thuộc hoạt động thanh tra, điều tra, kiểm toán. Nhiều vụ việc lần lượt được xem xét, xử lý; hàng loạt cán bộ lãnh đạo quản lý vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh, trong đó có cả cán bộ chủ chốt đương nhiệm của tỉnh, cụ thể: Cấp ủy và UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 184 tổ chức đảng và 523 đảng viên, Trong đó có 129 đồng chí là cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra kết luận 64 tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm. Vi phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật 33 tổ chức 203 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; vi phạm đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật là 147 đảng viên.
Tuy nhiên, DHVP thì rất đa dạng, phong phú, ở nhiều lĩnh vực, có những lĩnh vực chuyên sâu, phức tạp, rất khó phát hiện, đối tượng kiểm tra thì trình độ cao, có chức vụ, quyền hạn, tìm mọi cách che đậy, giấu giếm khuyết điểm, vi phạm, hành vi, việc làm mờ ám, sai trái không đúng quy định; DHVP của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, hành vi tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các tổ chức đảng có biểu hiện tìm mọi cách che giấu khuyết điểm, vi phạm; tính tự giác, tự phê bình giảm sút, có biểu hiện bao che cho cấp dưới. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng sợ bị trách nhiệm, sợ mất cán bộ, sợ mất thành tích, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ", "bệnh thành tích" vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các phương pháp công tác kiểm tra chủ yếu là công tác đảng, nên rất khó khăn trong thực hiện thẩm tra, xác minh trong kiểm tra khi có DHVP đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên.
Để thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên cần tập trung thực hiện một số giải pháp chính sau đây:
Một là, Công tác lập kế hoạch thẩm tra, xác minh cần xác định đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng thẩm tra xác minh, phương pháp tiến hành, thời gian, tổ chức lực lượng thẩm tra, xác minh, dự kiến những tình huống có thể phát sinh trong quá trình thẩm tra, xác minh và cách giải quyết. Cán bộ kiểm tra căn cứ vào nội dung kiểm tra, đối tượng kiểm tra, vấn đề được gợi ý trong đề cương, trong báo cáo giải trình của đối tượng kiểm tra; các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm tra, xác minh. Khi lập kế hoạch thẩm tra, xác minh cần chuẩn bị kỹ các phương án, câu hỏi đặt ra đối với từng đối tượng liên quan đến vấn đề cần xác minh; đồng thời, phù hợp với năng lực, trình độ của đối tượng.
Hai là, khi tiến hành thẩm tra, xác minh:
(1) Cán bộ kiểm tra thu thập bằng chứng bằng cách nghiên cứu hồ sơ, văn bản, tài liệu, hiện vật, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân được kiểm tra, yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung kiểm tra. Khi cần, gặp những tổ chức, cá nhân có liên quan để đối chứng, thu thập thêm tài liệu, hiện vật, chứng cứ giúp cho việc nhận xét, đánh giá, kết luận khách quan, chính xác. Thẩm tra, xác minh phải đặc biệt coi trọng bằng chứng, tìm cho được bằng chứng, không xem nhẹ hoặc bỏ qua bất cứ một nguồn thông tin nào, từ đó chọn lựa định hướng đúng cho việc xử lý thông tin, nếu không có bằng chứng mà suy luận thì dễ rơi vào áp đặt, không chính xác, kết luận oan sai. Muốn đánh giá đúng sự thật, việc thu thập bằng chứng qua các thông tin, tài liệu phải được thực hiện từ nhiều phía, nhiều kênh có liên quan. Công tác kiểm tra khác với công tác giám sát, bao giờ cũng phải tiến hành trực tiếp, đặc biệt là kiểm tra khi có DHVP cần phải đến tận nơi, sát thực tế, "mắt thấy, tai nghe". Trong quá trình thu thập bằng chứng, cán bộ kiểm tra phải trực tiếp gặp đối tượng, trực tiếp đọc những thông tin, tài liệu, trực tiếp nhìn thấy các vật chứng, nếu cần trực tiếp đến tận nơi xảy ra sự việc để thẩm tra, xác minh; không quan liêu, nghe báo cáo một chiều, nghe qua người khác hoặc nghe dư luận, hạn chế việc che giấu, báo cáo sai sự thật.
(2) Khi những chứng cứ thu thập được từ thông tin, tài liệu, hiện vật của các đối tượng liên quan cung cấp, nếu có sự mâu thuẫn, không thống nhất mà những mâu thuẫn đó có ý nghĩa quyết định đối với công tác thẩm tra, xác minh, trong khi cán bộ kiểm tra đã sử dụng các phương pháp công tác đảng, vận động, thuyết phục, giáo dục vẫn không giải quyết được mâu thuẫn có thể sử dụng biện pháp đối chất. Trước khi tổ chức đối chất, cán bộ kiểm tra cần nghiên cứu kỹ báo cáo giải trình hoặc kiểm điểm của đối tượng kiểm tra, hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan, phân tích và xác định các mâu thuẫn cần thực hiện đối chất, tìm hiểu nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, nhất là mẫu thuẫn trong báo cáo giải trình, kết quả làm việc với các đối tượng kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan; lập kế hoạch đối chất, dự kiến câu hỏi, chuẩn bị các chứng cứ, tài liệu sẽ sử dụng trong cuộc đối chất; dự lường những tình huống có thể xảy ra để có ứng xử phù hợp. Khi thực hiện đối chất, cán bộ kiểm tra phải có khả năng lập luận sắc sảo, bình tĩnh, khôn khéo, biết khơi gợi được ý thức trách nhiệm của các đối tượng tham gia đối chất, động viên tinh thần tự giác, tính trung thực của cán bộ, đảng viên.
(3) Cần lưu ý, thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng là công tác nội bộ của Đảng nên phải sử dụng các phương pháp công tác đảng: dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, lấy tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng là biện pháp chủ yếu, không sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật (như tạm giữ, cưỡng chế, bí mật theo dõi...) để thay thế phương pháp thẩm tra, xác minh của Đảng. Khi cần thiết có thể phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ sự thật về con người và sự việc đang kiểm tra, nhưng việc phối hợp phải được thực hiện đảm bảo theo phương pháp công tác đảng.
Ba là, Nghiên cứu, phân tích, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được:
(1) Khi đã thu thập được bằng chứng, nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ kiểm tra là đối chiếu, phân tích, so sánh, tổng hợp, đánh giá, xử lý một cách khách quan, thận trọng, chính xác để chứng minh, nhận xét, đánh giá, làm rõ đúng, sai, tìm ra bản chất của từng sự việc, từng đối tượng; nếu phát hiện những mâu thuẫn, những vấn đề chưa rõ phải tiếp tục thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng khác. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định tính chính xác của kết luận kiểm tra, do đó đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, chặt chẽ, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình để chứng minh, khẳng định những giả thuyết đúng và loại bỏ những giả thuyết không hợp lý để đưa ra nhận xét, đánh giá, kết luận đúng đắn.
(2) Để kết luận kiểm tra khách quan, chính xác, khi phân tích, xử lý thông tin cần áp dụng phương pháp suy luận theo tư duy lô gích biện chứng; nghiên cứu, phân tích, phán đoán sự việc tìm đến bản chất bằng suy luận hợp lô gích, không suy diễn để quy kết, áp đặt, không lấy ý kiến một cá nhân, hay một phía, một chiều để xem xét, kết luận mà phải phân tích toàn diện, nhiều phía, nhiều chiều, cần lưu ý đến những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Khi kết luận vấn đề thẩm tra, xác minh phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi một cá nhân, tập thể nào làm thay đổi kết luận.
Bốn là, Trưng cầu ý kiến giám định của các cơ quan nghiệp vụ (nếu có): Trong quá trình thẩm tra, xác minh, khi có nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý kinh tế - xã hội,… trong đó có những nội dung cán bộ hoặc cơ quan kiểm tra không thể tự mình làm sáng tỏ được, trong trường hợp cần thiết phải trưng cầu ý kiến giám định của cơ quan chức năng có thẩm quyền, nghiệp vụ, chuyên môn, giúp đoàn kiểm tra có thêm cơ sở, căn cứ để phân tích, đánh giá, kết luận đúng sự việc.
Năm là, Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 06 -QĐ/TU, ngày 25/5/2021 của BTV Tỉnh ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định 07 -QĐ/TU, ngày 22/6/2021 của BTV Tỉnh ủy quy định chế độ báo cáo theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phục vụ công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Nguyễn Hạnh (UBKT Tỉnh uỷ)