Sign In

Kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW)

16:15 03/10/2023
Ngay sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tâp và tuyên truyền, nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề về tầm quan trọng, lợi ích lâu dài của việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với nền kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kết quả đến nay, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP: Năm 2019 đạt 33,11%; năm 2020 đạt 31,21%; năm 2021 đạt 28,99%; năm 2022 đạt 30,72%, thực hiện 48,76% mục tiêu đề ra (Mục tiêu giao đến năm 2030 đạt trên 63%). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP: Năm 2019 đạt 14,56%; năm 2020 đạt 12,78%; năm 2021 đạt 12,66%; năm 2022 đạt 13,12%, thực hiện 32,8% mục tiêu đề ra (Mục tiêu giao đến năm 2030 đạt khoảng 40%). Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Năm 2019 đạt 43,36%; năm 2020 đạt 41,44%; năm 2021 đạt 39,19%; năm 2022 đạt 32,61%, thực hiện 67,94% mục tiêu đề ra (Mục tiêu giao đến năm 2030 đạt tối thiểu 48%). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2018 - 2022 đạt 2,81%/năm, thực hiện 26,76% mục tiêu đề ra (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt 10,27%/năm, thực hiện 85,58% mục tiêu đề ra) (Mục tiêu giao đến năm 2030 đạt bình quân trên 10,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt trên 12%/năm). Tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong tổng lao động: Năm 2019 đạt 33,85%; năm 2020 đạt 35,16%; năm 2021 đạt 39,09%; năm 2022 đạt 39,53%, vượt 31,76% mục tiêu đề ra (Mục tiêu giao đến năm 2030 đạt khoảng 30%). Tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong các thành phần kinh tế: Năm 2019 đạt 34,2%; năm 2020 đạt 35,57%; năm 2021 đạt 40,11%; năm 2022 đạt 39,94%, thực hiện 53,25% mục tiêu đề ra (Mục tiêu giao đến năm 2030 đạt trên 75%).
 
Tỉnh tập trung lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp ưu tiên. Xây dựng chính sách phân bổ không gian bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các khu, cụm công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistic, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng như các huyện: Lương Sơn; Thành phố Hòa Bình; Lạc Thủy; Tân Lạc; Cao Phong,… Chỉ đạo các địa phương bảo đảm phân bổ các cơ sở chế biến nông, lâm sản hợp lý theo hướng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Hình thành các vùng kinh tế phát triển công nghiệp chủ lực của địa phương.
 
Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế về tài nguyên như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản,... và các ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường và lao động như: Điện tử, may mặc, lắp ráp cơ khí; sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, dược phẩm,...; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp từ hình thức gia công, từng bước chuyên sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành và sản phẩm; phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, tập trung hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh. 
 
Với mục tiêu phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; từ năm 2018 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã tập trung đẩy mạnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá chiến lược, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, triển khai thực hiện nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, có tác động tích cực đến kết quả hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. Tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 734 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách (trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 608 triệu USD; 689 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 224.608 tỷ đồng). Trong đó, có 495 dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng vốn khoảng 139.970 tỷ đồng; 150 dự án trong khu, cụm công nghiệp với tổng vốn khoảng 37.768 tỷ đồng và 89 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại với tổng vốn khoảng 60.000 tỷ đồng.
 
Công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với lĩnh vực công nghiệp nói riêng được quan tâm. Tỉnh đã ban hành và hỗ trợ tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, qua đó đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Giai đoạn 2018 - 2022 đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 80.812 người; trong đó: Trình độ cao đẳng 1.030 người; trung cấp 13.116 người; sơ cấp 35.223 người và dạy nghề dưới 3 tháng 31.443 lượt người; riêng đối với lĩnh vực điện tử, may công nghiệp, lắp ráp cơ khí, tự động hóa đạt 10.617 người. Tổ chức được 17 sàn giao dịch, 105 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm tại các địa phương với sự tham gia của 17.040 lao động; qua đó đã giải quyết việc làm mới cho 44.444 lao động. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ; đến năm 2022 tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn khoảng 55% tổng lao động xã hội, giảm 4% so với năm 2020.
 
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản được chú trọng. Công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải được quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2021 đạt tỷ lệ 97,2%, năm 2022 đạt 95,3%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn hằng năm đạt 88%. 
 
Công tác phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý công nghiệp được thực hiện tốt; hằng năm các sở, ban ngành, các huyện, thành phố xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp; đồng thời, nhắc nhở, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đối với chính sách công nghiệp, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu dân cư tại một số địa phương trong nhằm góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ngọc Tuyết
 
 
 

Tag:

File đính kèm