Cảnh quan thành phố Hưng Yên hôm nay
Ngày 19/12/2021, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831 – 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1941-2021), 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1/1/1997-1/1/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đặc biệt, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nội dung: "Xây dựng Hưng Yên ngày càng "Hưng" và ngày càng "Yên" hơn nữa" đã trở thành nguồn động viên to lớn, niềm tin tưởng, sự kỳ vọng với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hưng Yên trên chặng đường xây dựng và phát triển.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hưng Yên là một vùng đất "địa linh nhân kiệt" có lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng; Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên có truyền thống yêu nước, cách mạng; có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay”.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ: “Hưng Yên là tỉnh có diện tích tự nhiên và quy mô dân số không lớn nhưng là một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, trước hết phải kể đến tiềm năng, lợi thế của một tỉnh thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đặc biệt là tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, đều là những trung tâm kinh tế, văn hoá, đô thị lớn đang phát triển rất nhanh; đất đai, thổ nhưỡng phì nhiêu được ví là "bờ xôi, ruộng mật", được kiến tạo và bồi đắp bởi phù sa Sông Hồng; Hưng Yên có truyền thống văn hoá phong phú, giàu bản sắc của vùng đất văn hiến và truyền thống lịch sử anh hùng, cách mạng vẻ vang”.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã đề nghị Đảng bộ tỉnh Hưng Yên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; cần đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của quê hương khởi nguồn, cái nôi của phong trào xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam; tăng cường bảo đảm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng Đảng bộ Hưng Yên và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, trở thành Đảng bộ tiêu biểu của cả nước.
Và xuyên suốt bài phát biểu chứa đựng nhiều tình cảm với Hưng Yên, Tổng Bí thư đã “Chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên ngày càng phát triển, tiến bộ và đạt được nhiều thành công mới to lớn hơn nữa; quê hương ta ngày càng Hưng và ngày càng Yên hơn nữa!”.
Vâng, "Hưng" và "Yên", như đúng cái tên của tỉnh nhà!. Câu nói của Tổng Bí thư thật ý nghĩa và đong đầy tình cảm.
Không phụ những kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những năm qua, Hưng Yên đã không ngừng nỗ lực và bứt phá trên mọi lĩnh vực. Là tỉnh nhỏ thứ 3 về diện tích, song năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thu ngân sách nhà nước lớn nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất. Đặc biệt là, xếp hạng quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Hưng Yên vươn lên vị trí thứ 16/63, vượt qua cả một số thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ (khu vực nông nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm hơn 7% GRDP). Năng suất lao động tăng cao (tăng 7,43%, cao hơn mức 3,65% của cả nước). Các cân đối kinh tế lớn và tiềm lực của tỉnh tiếp tục được củng cố vững chắc hơn. Thu ngân sách nhà nước đạt cao (vượt 41,5% dự toán), đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đầu tư phát triển của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn được đầu tư đồng bộ với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều công trình, dự án mang tính động lực, tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án mở rộng, nâng cấp đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan… cùng nhiều dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khác. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh năm 2023 đạt trên 68 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2022; tăng bình quân 23,57%/năm trong giai đoạn 2021-2023, cao gấp gần 2,5 lần mức tăng bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với giảm nghèo nhanh và cải thiện an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội của Nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ mức 1,93% năm 2022 xuống còn 0,86% năm 2023. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển; toàn tỉnh có 397/519 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 76,49%. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được mở rộng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp không ngừng được củng cố vững chắc.
Năm 2024 và những năm tới được dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Mặt khác thị trường tài chính, bất động sản trong nước còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, sức ép lạm phát và giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp... là những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đã xác định mục tiêu quyết liệt phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Niềm tin tưởng và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là mục tiêu, khát vọng cháy bỏng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên, đưa Hưng Yên thực sự hưng thịnh, yên bình, cùng với khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Xin khép lại bài viết bằng lời thơ đầy tình cảm mà Tổng Bí thư đã dành tặng khi về thăm Hưng Yên:
“Chúc Hưng Yên tiến thật xa
Hưng Yên như thế mới là Hưng Yên!”
Nguồn: https://baohungyen.vn