Tại hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy với Thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quý I năm 2024, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong quý I năm 2024, dưới sự lãnh đạo sát sao, toàn diện của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành quyết liệt, linh hoạt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,06% (đóng góp 0,18 điểm phần trăm vào tăng trưởng); công nghiệp và xây dựng tăng 7,49% (đóng góp 4,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng); khu vực thương mại, dịch vụ tăng 5,43% (đóng góp 1,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,49% (đóng góp 0,68 điểm phần trăm vào tăng trưởng). Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý I của tỉnh tiếp tục duy trì mức khá ổn định so với quý I các năm gần đây và chủ yếu đóng góp từ khu vực công nghiệp và xây dựng. Với kết quả này, Hưng Yên là tỉnh có mức tăng trưởng cao đứng thứ 7/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Các đại biểu dự hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh uỷ với Thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quý I năm 2024
Kết quả trên cũng khẳng định, sản xuất công nghiệp bắt đầu thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường. Hoạt động xây dựng tiếp tục phát triển mạnh nhờ đầu tư công và đầu tư tư nhân tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp và một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi ấn tượng và tăng trưởng mạnh trong quý I năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do quý I năm 2024, các ngành dịch vụ đã trở lại hoạt động bình thường và đây là thời điểm Tết Nguyên đán nên hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước và là ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Huyện Văn Lâm là một trong những địa phương duy trì sự tăng trưởng kinh tế khá trong quý I. Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Huyện uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV và các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Do vậy, quý I năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội phát triển ổn định, tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện thực hiện gần 1.696 tỷ đồng đạt gần 46,4% kế hoạch.
Kết quả thu ngân sách nhà nước quý I trên địa bàn tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 29/3, thu ngân sách đạt trên 9.900 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa trừ tiền sử dụng đất đạt 63,9% kế hoạch, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương có số thu ngân sách cao so với kế hoạch như: Huyện Ân Thi thực hiện thu ngân sách nhà nước được 750 tỷ đồng, bằng 241,3% kế hoạch và bằng 699,7% so với cùng kỳ; thị xã Mỹ Hào thực hiện thu ngân sách đạt trên 1.680 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch giao...
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đến nay, các địa phương đã GPMB trên 320 héc – ta. Một số địa phương có kết quả GPMB tốt như: Huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ…
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chú trọng. Công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt được thực hiện hiệu quả. Trong quý I, toàn tỉnh đã mở được 48 lớp bồi dưỡng cho 4.791 học viên. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã kết nạp được 360 đảng viên mới, trong đó có 33 đảng viên ở khu vực kinh tế tư nhân. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát ở lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. 3 tháng đầu năm, cấp ủy huyện, thị xã, thành phố và chi bộ đã tổ chức kiểm tra 111 tổ chức đảng và 158 đảng viên; giám sát 34 tổ chức đảng và 32 đảng viên; kỷ luật 1 tổ chức đảng và 44 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 330 tổ chức đảng và 886 đảng viên; giám sát 39 tổ chức đảng và 1087 đảng viên; kỷ luật 18 đảng viên…
Tại hội nghị giao ban, những hạn chế được Thường trực Tỉnh ủy chỉ ra như: Công tác GPMB và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương đạt thấp. Ô nhiễm môi trường một số nơi vẫn tồn tại và chậm được khắc phục. Chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư còn hạn chế, nhất là thu hút các doanh nghiệp lớn, các dự án đầu tư hàm lượng khoa học công nghệ cao, hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường...
Để đạt mục tiêu năm 2024 đề ra, tạo tiền đề căn bản để cùng với năm 2025 hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại hội nghị giao ban, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện vững chắc môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các sở, ban, ngành chủ động, tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến việc triển khai đầu tư dự án. Cùng với đó, tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Tập trung tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh…
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Chuyên đề năm 2024 và nghiên cứu học tập các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Nguồn: https://baohungyen.vn