Ngày 01/4/2023, tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển. Đây là một mốc son đầy tự hào, đánh dấu một chặng đường dài với biết bao thăng trầm lịch sử để có một Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Nhân dịp này, Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
- Sự kiện kỷ niệm 370 năm Khánh Hòa xây dựng và phát triển có ý nghĩa to lớn như thế nào, thưa đồng chí?
Có thể nói, lịch sử của một vùng đất không thể tách rời lịch sử của quốc gia, dân tộc. Thực tế đã chứng minh, trong gần 4 thế kỷ qua, các dân tộc sinh sống trên vùng đất Khánh Hòa luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cùng cả nước vượt qua gian khổ, vun đắp nên một Khánh Hòa giàu đẹp như ngày nay. Các sự kiện kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa không đơn thuần là dịp để người dân Khánh Hòa hoan ca, mà còn là dịp để các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa tôn vinh, tự hào và hiểu rõ hơn giá trị lịch sử hào hùng, văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam; là sự thể hiện nghĩa cử truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã dày công tạo dựng, gìn giữ và phát triển vùng đất Khánh Hòa trong suốt chặng đường 370 năm qua.
Đặc biệt, sự kiện trọng đại này diễn ra trong lúc toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh nhà đang ra sức thi đua, nỗ lực thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Chính vì vậy, Lễ kỷ niệm còn tiếp thêm động lực tinh thần, khát vọng bứt phá, khắc họa, quảng bá hình ảnh toàn diện về “Xứ Trầm, biển yến”, về các lợi thế vượt trội của núi rừng và biển cả, về truyền thống lịch sử, văn hóa đậm chất nhân văn của các dân tộc trong tỉnh với bè bạn trong và ngoài nước. Những gì cha ông ta để lại, thế hệ hôm nay có bổn phận phải gìn giữ và đổi mới sáng tạo để phát huy và hiện thực hóa khát vọng “vươn ra biển lớn”, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
- Gần 4 thế kỷ qua, với truyền thống lịch sử và dưới sự lãnh đạo của Đảng, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Xin đồng chí cho biết khái quát những mốc son đánh dấu sự phát triển của tỉnh nhà, đặc biệt là những thành tựu nổi bật, mang tính đột phá, điểm nhấn trong những năm gần đây?
Vào năm Quý Tỵ 1653, Cai cơ Hùng Lộc hầu đã vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến hành công cuộc mở mang, khai khẩn vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang và lập nên dinh Thái Khang với 2 phủ trực thuộc là Thái Khang (tức huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa ngày nay) và Diên Ninh (tức thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm và một phần đất từ ranh giới giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận vào đến bờ bắc sông Phan Rang ngày nay). Từ đó, vùng đất này được đổi thành tên dinh Bình Khang (năm 1690), dinh Bình Hòa (năm 1803), trấn Bình Hòa (năm 1808) và đến năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng, trấn Bình Hòa được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa và danh xưng này được tồn tại đến ngày nay. Trong suốt quá trình phát triển lịch sử, cộng đồng các dân tộc tại Khánh Hòa đã cần cù lao động, đoàn kết với nhau để ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, đất nước, tạo nên một vùng đất “Xứ trầm, biển yến” với những đặc trưng văn hóa phong phú và độc đáo.
Từ mảnh đất hùng thiêng này, các thế hệ ông cha ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề tham gia phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong, làm nên những chiến công oanh liệt. Từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào Khánh Hòa và được những người yêu nước nhiệt thành tiếp thu.
Ngày 24/2/1930, chưa đầy một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã chính thức được thành lập. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Khánh Hòa đã tiếp tục viết nên những trang sử mới, chói lọi. Cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 tại Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) với hơn 1.000 người tham gia do Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo, là cuộc biểu tình lớn nhất Nam Trung Bộ lúc bấy giờ, góp phần châm ngòi nổ cho phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng cả nước trong những năm 1930 - 1931.
Chỉ hai tháng sau, ngày 23/10/1945, quân và dân Khánh Hòa lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, mở đầu là 101 ngày đêm chiến đấu, bao vây quân Pháp tại Mặt trận Nha Trang. Nha Trang – Khánh Hòa lúc này trở thành tiền tuyến lớn của cả nước, được Trung ương Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi, chỉ đạo thường xuyên. Trung ương đã gửi nhiều đơn vị bộ đội Nam tiến chi viện, cũng như cử các đồng chí lãnh đạo, trong đó có đồng chí Võ Nguyên Giáp thị sát, chỉ đạo chiến trường; cổ vũ, động viên Nhân dân kháng chiến. Đáp lại sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, với ý chí và lòng yêu nước nồng nàn, khao khát độc lập tự do, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân, dân Nha Trang - Khánh Hòa cùng các đơn vị bộ đội Nam tiến bao vây, tiêu hao và kìm chân giặc Pháp 101 ngày đêm tại Nha Trang (23/10/1945 - 01/02/1946). Chiến công đó được Bác Hồ hai lần gửi thư khen ngợi.
Cũng trong giai đoạn lịch sử này, ngày 18/10/1946, tại vịnh Cam Ranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Đắc-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) đã có cuộc hội kiến để bàn việc thi hành Bản Tạm ước 14/9. Đây là cột mốc lịch sử trên con đường thương thuyết hòa bình nhằm giữ gìn nền hòa bình, độc lập thống nhất của Tổ quốc, tranh thủ thời gian chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh là một sự kiện lịch sử quan trọng, cũng là vinh dự lớn đối với Khánh Hòa. Sau 35 năm kể từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi Người vĩnh biệt đồng bào ta, đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng Người trở lại miền Nam, trong đó Khánh Hòa là địa phương in dấu hình ảnh của Người.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân Khánh Hòa đã đồng tâm, hiệp lực, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giữ vững tư tưởng tiến công cách mạng, hoàn thành lời thề với Bác Hồ khi Người từ trần. Ngày 02/4/1975, Khánh Hòa được giải phóng. Đây là mốc son sáng ngời trong lịch sử cách mạng của tỉnh, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhanh chóng phục hồi sau chiến tranh và xây dựng, kiến thiết tỉnh nhà. Bằng những quyết sách linh hoạt, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực, khai thác tiềm năng và thế mạnh, mở rộng hợp tác đầu tư với nước ngoài, hội nhập quốc tế…, đã từng bước đưa Khánh Hòa phát triển lên tầm cao mới, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống văn hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ổn định, năm 2000 lần đầu tiên tỉnh Khánh Hòa gia nhập “câu lạc bộ 1.000 tỷ”. Từ năm 2003, Khánh Hòa là tỉnh tự cân đối được ngân sách và có điều tiết ngân sách về Trung ương; kết cấu hạ tầng được đầu tư khá toàn diện, làm thay đổi diện mạo các đô thị và những vùng nông thôn trù phú trong tỉnh.
Với những tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, năm 2012 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 53-KL/TW định hướng phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Đầu năm 2022, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 21/3/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng cho chặng đường phát triển của tỉnh Khánh Hòa thời gian tới, vừa xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, vừa trao cho Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa “đòn bẩy” để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng đưa Khánh Hòa trở thành “đô thị biển thông minh, sinh thái, thân thiện, đáng sống”, trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ngay từ năm đầu tiên triển khai các Nghị quyết của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GRDP đạt 20,7%, cao nhất cả nước; 20/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra, an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Có thể khẳng định, những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa đạt được hôm nay là kết quả của sự kế thừa, kết tinh và phát huy có hiệu quả những giá trị của lịch sử, truyền thống, văn hóa của đất nước, con người Khánh Hòa trong gần 4 thế kỷ qua.
- Chúng ta đang đặt tiếp những viên gạch làm nền móng cho sự phát triển của Khánh Hòa trong tương lai với mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á. Đồng chí có thể chia sẻ những suy nghĩ, những kỳ vọng, mong muốn của mình trong việc xây dựng Khánh Hòa hiện đại, văn minh nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa của một vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử?
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt phải hoàn thành một số quy hoạch quan trọng, như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 sẽ phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, phân khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Rất mừng là vào đúng dịp kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển, một số quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt và công bố; mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng Khánh Hòa trở thành một đô thị thông minh nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng là điều lãnh đạo tỉnh và những người làm công tác quy hoạch luôn trăn trở. Với khát vọng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, xa hơn nữa là xây dựng Khánh Hòa thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Điều quan trọng là trong quá trình xây dựng và phát triển, phải giữ được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa đặc trưng Khánh Hòa… Tư duy và tầm nhìn như vậy phải được thể hiện ở mức bao trùm trong quy hoạch; phát huy giá trị hình thái không gian đặc trưng “biển - đảo - sông - núi”; lưu ý các yếu tố giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hoá biển… để bảo tồn, phát triển.
Mảnh đất Khánh Hòa hội tụ các lợi thế vượt trội: vừa có núi, có rừng, có sông, có biển, có đảo; là nơi giao thoa của các tuyến giao thông của cả nước; giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng. Người dân Khánh Hòa thuần hậu, yêu nước, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Khánh Hòa còn có huyện đảo Trường Sa - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Khai thác hiệu quả, hợp lý những tiềm năng và lợi thế nổi trội nói trên, cùng với một quy hoạch tỉnh theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành sẽ tạo ra đột phá mới, giúp Khánh Hòa hiện thực hóa định hướng trở thành một đô thị hiện đại, thông minh và bản sắc.
- Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09, nếu năm 2022 là năm “chiến lược - chính sách” thì năm 2023 được xác định là năm “quy hoạch - đầu tư”. Xin đồng chí cho biết Khánh Hòa cần phải làm những gì để tăng tốc và bứt phá hơn trong thời gian tới?
Năm 2023, dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sẽ tác động tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, nhưng với đà tăng trưởng của năm 2022, bằng những nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và Nhân dân, tôi tin rằng, tỉnh nhà sẽ đạt được những mục tiêu đề ra. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo tập trung tăng tốc hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh để có cơ sở tập trung thu hút đầu tư. Từ khoá của năm 2023 “Quy hoạch - Đầu tư” thể hiện nội hàm của nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà, đó là phải kiên quyết thực hiện và phải thực hiện bằng được. Làm tốt hai khâu “quy hoạch và đầu tư” sẽ tạo nền tảng và tiền đề cho cả quá trình xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030 và xa hơn.
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư diễn ra trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, là một sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng và góp phần để Khánh Hòa tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế Khánh Hòa có nhiều lợi thế như du lịch và đô thị, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, logistic, các ngành kinh tế số, công nghệ 4.0, các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại nhằm tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Về đối tác, trong giai đoạn này, tỉnh tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn là thành viên tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam, đồng thời ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Với khối lượng công việc lớn như vậy, để đảm bảo đạt hiệu quả, chất lượng cao, tỉnh quyết tâm đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy và chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, chú trọng làm tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới. Đồng thời, chú trọng đầu tư hạ tầng nền tảng cho công tác chuyển đổi số để triển khai nhanh chóng và hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo sự phát triển bứt phá thông qua việc cải thiện các chỉ số PAPI, PCI, Par Index,…
Nhân kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, thay mặt Đảng bộ tỉnh, tôi kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, cùng chung tay đặt quyết tâm cao nhất để tạo nên những thành tựu mới, thể hiện sự đền đáp, tri ân xứng đáng với các thế hệ đi trước và hiện thực hóa khát vọng phát triển tương xứng với vị thế, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo định hướng của Nghị quyết 09 Bộ Chính trị.
Xin trân trọng cám ơn đồng chí!
Ban Biên tập Website Tỉnh ủy