Sign In

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

08:14 17/03/2023

Ngày 18-1-2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20 về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Sau 5 năm thực hiện, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.


Xuất bản nhiều ấn phẩm về lịch sử Đảng


Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 84 thực hiện Chỉ thị số 20. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử ở các cấp, ngành; đẩy nhanh tiến độ biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử và tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Học sinh tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm).

Học sinh tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm).


Sau 5 năm triển khai, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả khá tích cực. Nhiều địa phương, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều loại hình ấn phẩm lịch sử Đảng, như: Lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng, văn kiện đảng bộ, biên niên sự kiện lịch sử; truyền thống lịch sử các ban, ngành, đoàn thể… tạo nên sự đa dạng, phong phú nhưng thống nhất của các ấn phẩm lịch sử, phục vụ và thu hút nhiều đối tượng người đọc, nghiên cứu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, nhất là thế hệ trẻ.


Theo ông Trần Mộng Điệp - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cuốn sách lịch sử đã phát hành trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều được chuẩn bị chu đáo, xây dựng công phu, từ việc sưu tầm tài liệu đến khâu hoàn thiện, qua đó tái hiện khá đầy đủ lịch sử truyền thống cách mạng ở cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể. Nội dung các cuốn sách đã nêu bật được những điểm riêng biệt, sự lãnh đạo của tổ chức đảng qua các thời kỳ; việc vận dụng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh vào điều kiện địa phương, cơ quan, đơn vị. Các sự kiện lịch sử, số liệu lịch sử, nhân vật lịch sử được biên soạn tương đối đầy đủ, chân thực, chính xác; các kết luận, đánh giá sự kiện, nhân vật lịch sử và ý nghĩa của sự kiện lịch sử có tính khách quan, khoa học, qua đối chiếu phù hợp với lịch sử Đảng bộ tỉnh và phân kỳ lịch sử Việt Nam hiện đại.


Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục


Cùng với việc biên soạn, xuất bản, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương cũng được chú trọng. Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã tổ chức lễ ra mắt sách trang trọng, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương vào các buổi sinh hoạt chính trị, thông tin thời sự, sinh hoạt chi bộ... Đặc biệt, Thị ủy Ninh Hòa, Huyện ủy Vạn Ninh, Thành ủy Cam Ranh, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Trường Đại học Nha Trang... đã tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu, tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống của các đơn vị. Những hoạt động này giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa; nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.


Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện biên soạn bộ tài liệu lịch sử Khánh Hòa và đưa vào sử dụng tại các trường THPT và THCS. Các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương theo hướng kết hợp nghe, nhìn và trực tiếp tham gia hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục, từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.


Vẫn còn những hạn chế, khó khăn


Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ít cấp ủy, đặc biệt là cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống của các đơn vị, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch chung của tỉnh. Đội ngũ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương còn mỏng; một số địa phương rất khó khăn về nguồn tư liệu và nhân chứng lịch sử do nhiều sự kiện lịch sử diễn ra đã lâu; một số xã, phường, thị trấn gần như “trắng” về tư liệu. Thực tế cho thấy, một số ấn phẩm lịch sử xã, phường xuất bản chất lượng còn chưa cao, nặng về miêu tả và diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức tính tổng kết thực tiễn; nội dung thuộc giai đoạn sau 1975 chưa thể hiện được những sự kiện nổi bật...  


Theo ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị; đẩy nhanh việc hoàn thành các ấn phẩm lịch sử (hoặc kỷ yếu, biên niên) đối với địa phương, đơn vị đang sưu tầm, biên soạn. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, truyền thống của địa phương, đơn vị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; phát huy giá trị các ấn phẩm lịch sử, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch, phản động.

 

Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản 3 ấn phẩm lịch sử chuyên đề: Khánh Hòa - những mốc son lịch sử, Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - Các kỳ đại hội; chỉ đạo biên soạn một số ấn phẩm kỷ yếu hội thảo khác. Bên cạnh đó, theo thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đến cuối năm 2022, có 17 sở, ban, ngành cấp tỉnh xuất bản sách lịch sử (hoặc kỷ yếu, biên niên) giai đoạn trước và sau năm 1975; 7/8 huyện, thị, thành ủy hoàn thành việc biên soạn, phát hành sách lịch sử giai đoạn trước và sau năm 1975 (Huyện ủy Diên Khánh đang biên soạn lịch sử giai đoạn sau năm 1975); 5/7 đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xuất bản ấn phẩm lịch sử. Toàn tỉnh có 132/136 xã, phường, thị trấn (trừ 3 xã, thị trấn của huyện Trường Sa) hoàn thành xuất bản lịch sử cách mạng.

Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202303/nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-bien-soan-lich-su-dang-8277514/


Tags:
Tác giả: Báo Khánh Hòa

Tag:

File đính kèm