Ninh Quang là xã thuần nông cách trung tâm thị xã Ninh Hòa khoảng 3 km về phía Tây Nam. Phía Bắc giáp Phường Ninh Hiệp và xã Ninh Bình, phía Nam giáp xã Ninh Hưng và Ninh Lộc, phía Đông giáp phường Ninh Hà, phía Tây giáp xã Ninh Tân. Hiện Hội Nông dân xã Ninh Quang có 1.543 hội viên với 09 chi hội và 13 đ/c trong Ban Chấp hành hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nông dân thị xã, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã Ninh Quang và sự hỗ trợ tạo điều kiện của UBND xã; sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành, đoàn thể; cùng với sự nổ lực cố gắng của cán bộ, hội viên nông dân trong hệ thống Hội, Hội Nông dân đã tích cực, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Một số kết quả nổi bật nhất của Hội Nông dân xã Ninh Quang trong việc vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững:
Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Hàng năm, Hội đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua SXKDG đạt chất lượng và hiệu quả mang tính bền vững, đến năm 2022 có 1.158 hộ đăng ký danh hiệu NDSXKDG các cấp. Kết quả bình xét có 1.226 hộ đạt (trong đó cấp Trung ương 01 hộ, tỉnh 16 hộ, cấp thị xã 164 hộ, cấp xã 945 hộ). Nhiều nông dân quyết tâm vươn lên khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ SXKDG, điển hình tiêu biểu như: hộ anh Cao Văn Phương - chăn nuôi ếch, cá trê lai, thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng; hộ anh Nguyễn Tấn Nhựt – trồng 60 ha mía, 10 ha cây ăn quả, dịch vụ cày đất, vận chuyển tổng thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/ năm tạo công ăn việc làm cho 30 lao động ổn định; hộ ông Lương Tuyển, Lương Công Bàng thôn Tân Quang – trồng lúa và vườn cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi heo, nuôi cá, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên; ông Dương Văn Lâm thôn Phú Hòa – trồng lúa trên 10 ha, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí 400 triệu đồng/ năm; hộ ông Ngô Đức Thanh thôn Phước Lộc – mô hình trang trại kết hợp chăn nuôi bò thu nhập hằng năm trên 500 triệu đồng... Các NDSXKD giỏi hàng năm đã tạo việc làm cho 5- 10 lao động, giúp đỡ cho 04 hộ nghèo thoát nghèo bền vũng: Phạm văn Toàn, Trương Văn Đồng, Nguyễn Thành Trung, Huỳnh Trung.
Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp tiền mua con giống giúp cho 02 hộ nông dân Trần Đình Hồng và Nguyễn Thị Kiểm thôn Vạn Hữu gặp kinh tế khó khăn để kịp thời cải thiện cuộc sống.
Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao; giới thiệu các cơ sở vật tư nông nghiệp hỗ trợ cho nông dân mua vật tư trả chậm đã giúp cho bà con nông dân an tâm sản xuất …Tổ chức tuyên truyền, chuyển giao KHKT, giới thiệu các mô hình SXKD có hiệu quả để hội viên áp dụng, phát triển kinh tế hộ hướng tới liên kết, liên doanh, sản xuất với quy mô lớn. Đã thành lập thêm 02 Tổ hội nghề nghiệp (Tổ liên kết chăn nuôi bò vỗ béo, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn) hoạt động có hiệu quả, góp phần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên giảm nghèo và làm giàu.
Vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Hội chỉ đạo duy trì và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường ở Hội Thành, xây dựng 04 tuyến đường hoa Nông dân; xây dựng 03 mô hình ánh sáng an ninh và 01 mô hình Camera an ninh. Phối hợp với BHXH thị xã, UBND xã tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và Bảo hiểm y tế hộ gia đình cho trên 1.200 lượt hội viên, nông dân tham gia; Hội phối hợp các ngành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…; tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, khơi thông cống rảnh, nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất, dân sinh...
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đăng ký xây dựng gia đinh văn hóa, chi Hội văn hóa hằng năm đều đạ chỉ tiêu giao. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động VHVN, TDTT nhất là trong các ngày lễ, kỷ niệm có trên 3.000 lượt người xem đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hội viên nông dân. Vận động nông dân thực hiện nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện hương ước xóm thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, ma tuý...
Triển khai xây dựng mô hình “Vườn rau gia đình” ở 9 chi hội đạt kết quả tốt, đây là mô hình hay, thiết thực, vừa giúp hội viên nông dân có những bữa ăn an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa tiết kiệm chi tiêu trong gia đình.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhờ làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy và sự hỗ trợ UBND xã, nên hàng năm Hội đã được cấp vốn theo Quyết định 673 đúng chỉ tiêu trên giao, từ năm 2018 đến nay Hội đã được cấp 100.000.000 đồng; các chi Hội vận động được: 59.500.000 đồng, nâng tổng Quỹ HTND cơ sở hiện nay là 262.765.000 đồng, đã giải ngân cho 10 hộ vay, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt Văn bản Thỏa thuận số 62 giữa Hội Nông dân với Ngân hàng NN và PTNT thị xã; Hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH thị xã. Dư nợ tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT: 4,1 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 2,7 tỷ đồng triệu đồng, 164 hộ vay.
Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm BVTV, Trạm Thú y, các ban ngành có liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đã mở 12 lớp với 700 lượt người dự (về cây lúa, cây cảnh, chăn nuôi, sản xuất nấm rơm, sử dụng thuốc BVTV, nuôi bò vỗ béo). Ngoài ra, Hội còn tham mưu triển khai một số quy trình kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng. Hướng dẫn nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, hội viên nông dân đang bắt đầu áp dụng.
Hội đã phối hợp với Tư pháp xã tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân về thủ tục khai sinh, kết hôn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các chính sách hỗ trợ vốn, phát triển kinh tế thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; tham gia hòa giải tốt các đơn thư liên quan đến tranh chấp đất đai, không có cán bộ, hội viên, nông dân khiếu kiện đông người, vượt cấp. Phối hợp UBND xã tổ chức thực hiện tốt Quyết định 81/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, UBND xã với Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Duy trì hoạt động và phát huy tốt vai trò Câu lạc bộ Pháp luật với nông dân trợ giúp pháp lý cho hơn 400 lượt người. Phối hợp với UBMTTQVN và các đoàn thể xã hỗ trợ nhiều phần quà cho các hộ gia đình gặp khó khăn trong đời sống, đặc biệt là trong đợt dịch Covid – 19, Hội đã cùng các tổ chức vận động các mạnh thường quân ủng hộ tiền, quà với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Tham gia bình xét các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Với các kết quả trên, năm 2022, Hội nông dân xã đạt giải ba hội thi Nhà nông đua tài cấp Trung ương khu vực các tỉnh Miền trung Tây Nguyên; nhiều chi hội và cá nhân được tặng bằng khen và giấy khen các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế sau: Kỹ năng nắm bắt, phát hiện những bức xúc và khó khăn về đời sống, sản xuất để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên có lúc, có nơi chưa kịp thời; Chưa phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong việc tuyên truyền, định hướng, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên nông dân phát triển sản xuất; việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế. Năng lực tham mưu, phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện của cán bộ Hội còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới và nhu cầu của hội viên, nông dân.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới Hội Nông dân xã Ninh Quang đã xác định một số giải pháp trọng tâm sau:
(1) Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân; đẩy mạnh đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân. Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất kinh doanh hoạt động có hiệu quả, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản của nông dân. Tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân và chọn cử nông dân tiêu biểu tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.
(2) Tiếp tục hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất theo hướng tổ hợp tác và hợp tác xã; chi, tổ Hội nghề nghiệp,... đưa các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu hội nhập và cải thiện cuộc sống cho nông dân, phấn đấu đạt các chỉ tiêu Thị hội giao. Vận động hội viên nông dân tích cực tham gia đóng góp tiền, của, công lao động để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng địa phương: đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, duy trì và phát triển các mô hình bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
(3) Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền bổ sung kinh phí để phát triển Quỹ HTND; tích cực vận động quỹ HTND, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Quỹ và các nguồn vốn vay của Hội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt văn bản thỏa thuận với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và hợp đồng ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội.
(4) Phối hợp tổ chức các lớp nghề và các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập và làm theo; khảo sát nhu cầu học nghề, liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo để khi học viên ra trường có việc làm, thu nhập. Phối hợp với các ngân hàng, dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, huy động các nguồn lực xây dựng Quỹ "Vì hội viên nghèo" để cung ứng, hỗ trợ nông cụ, trang thiết bị cho hội viên nông dân phát triển sản xuất.
(5) Xây dựng và đẩy mạnh mô hình tổ liên kết sản xuất kinh doanh hoạt động có hiệu quả, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Giới thiệu sản phẩm tham gia Chương trình “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” hàng năm. Tham gia Phiên chợ nông sản các cấp hàng năm nhằm quảng bá, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.
Nguyễn Văn Minh - Giảng viên Khoa Nhà nước & Pháp Luật, Trường Chính trị tỉnh