Cán bộ kỹ thuật tại trại thực nghiệm và sản xuất thủy sản Hòn Chông thu hoạch ốc hương thương phẩm.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Đề tài thuộc phạm vi cấp tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2020-2023; được thực hiện ở trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản Hòn Chông, huyện Kiên Lương và 1 cơ sở sản xuất giống ngoài dân đối với nghiên cứu sản xuất giống ốc hương, ương ấu trùng. Đối với nghiên cứu nuôi thương phẩm ốc hương trong bể lót bạt được thực hiện tại trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản Ba Hòn, huyện Kiên Lương và xây dựng mô hình nuôi ngoài dân.
Ốc hương là đối tượng đặc sản biển có giá trị dinh dưỡng và thương phẩm cao, có tiềm năng quan trọng đối với khai thác thủy sản. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức ốc hương phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đã làm cho nguồn lợi ốc hương bị cạn kiệt nhanh chóng. Với mục tiêu, xây dựng và triển khai một mô hình sản xuất giống đạt sản lượng 600.000 con và hai mô hình nuôi thương phẩm ốc hương trong bể lót bạt từ nguồn giống sản xuất nhân tạo, với sản lượng 2.000kg. Ngoài ra, giúp cung cấp số lượng nuôi ốc hương bố mẹ cho sinh sản; thu và ấp trứng, biện pháp chăm sóc quản lý trong ốc hương từ giai đoạn ấu trùng nổi, ấu trùng bò lê, ốc con và ốc giống. Thành công của đề tài sẽ góp phần tích cực cho sản xuất giống ốc hương, nhằm đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi tại địa phương.
Ông Phạm Quốc Việt, cán bộ kỹ thuật trại thực nghiệm và sản xuất thủy sản Hòn Chông, cho biết: Việc tuyển chọn ốc hương bố mẹ, ban đầu được thu mua từ các cơ sở thu gom ốc khai thác tự nhiên ở vùng viển Kiên Giang trong mùa sinh sản; cỡ ốc khoảng 20-30kg, ốc khỏe mạnh, không bị tổn thương và có màu sắc tươi sáng. Sau khi được thu gom về trại sản xuất để nuôi dưỡng và tiến hành lấy mẫu kiểm tra xác định tỷ lệ giới tính. Khi ốc hương bố mẹ được thuần dưỡng cho thích nghi với môi trường nuôi, tiếp tục bố trí nuôi vỗ trong bể xi măng (4m2/bể), thời gian nuôi vỗ khoảng 20-30 ngày.
Nuôi ốc bố mẹ nên vệ sinh bể và dụng cụ sạch sẽ, phủ lớp cát sạch ở đáy để ốc bố mẹ vùi mình và làm giá bám cho các bọc trứng sau khi đẻ; làm sạch nước biển và đưa vào bể, nước có độ mặn 28-30o/oo, pH 7,5-8,5; mật độ nuôi vỗ từ 150con/m2 đáy bể. Cho ốc bố mẹ ăn các loại thức ăn tươi như cá, mực, nghêu, sò; chế độ thay nước được thực hiện 1 lần/ngày để loại bỏ thức ăn thừa, làm sạch nước để đảm bảo môi trường đáy sạch.
Sau thời gian nuôi vỗ ốc bố mẹ, ốc đẻ trứng và tiến hành thu ấp trong nước biển đã xử lý và chăm sóc cho đến khi nở thành ấu trùng, thức ăn cho ấu trùng ốc hương là các loài tảo. Khi ấu trùng kết thúc giai đoạn sống nổi chuyển sang sống bò, tiến hành dùng cát mịn để phủ đáy bể ương; thức ăn cung cấp là thịt, tôm, tép băm nhỏ đồng thời bổ sung tảo cho ấu trùng. Ấu trùng bò được ương trong thời gian 40 ngày ương, khi giống ốc đạt khối lượng gần 10.000 con/kg thì tiến hành thu hoạch chuyển sang nuôi thử nghiệm thương phẩm.
“Xây dựng hệ thống bể lót bạt để nuổi thử nghiệm ốc thương phẩm với tổng diện tích 540m2, có tổng cộng 9 ô bể mỗi ô có diện tích 60m2 để bố trí các lô thí nghiệm. Dùng cát mịn phủ đáy bể nuôi với độ dày 2-3cm và sau đó thả giống ốc hương. Thức ăn dành cho giống ốc hương thương phẩm là các loại cá tạp, thức ăn viên tổng hợp; cho ốc ăn 2 lần/ngày; thường xuyên thay nước. Thời gian nuôi ốc thương phẩm đạt 20.000-30.000 con/kg khoảng 3 tháng có thể xuất bán", ông Phạm Quốc Việt nói.
Ông Trần Công Lĩnh, Trưởng trại thực nghiệm và sản xuất thủy sản Hòn Chông cho biết: Kết quả nghiên cứu và sản xuất giống ốc hương đợt 1, số lượng ốc hương bố mẹ thu gom là 14kg, sau khi chọn lọc kết quả ốc bố mẹ đạt yêu cầu nuôi sinh sản 12,4kg; đợt 4 lượng ốc hương giống thu được tại hộ dân hơn 138.000 con. Ốc hương tươi sống có giá thương phẩm từ 200.000 - 350.000 đồng/kg. Xây dựng các mô hình nuôi ốc hương trong bể lót bạt tại 2 trại thực nghiệm và tại 2 nông hộ thu được 2.160kg ốc hương thương phẩm, cỡ ốc trung bình 162 con/kg và đạt lợi nhuận từ 16-20 triệu đồng/100m² bể nuôi.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiển cho biết thêm, đề tài đã xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật, tập huấn cho 80 hộ dân, đào tạo 4 kỹ thuật viên và tổ chức 2 hội thảo đánh giá kết quả và một số sản phẩm theo yêu cầu đề cương đề tài.
Mỹ Anh