Liên hoan tiễn tân binh xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, lên đường bảo vệ Tổ quốc, năm 1974.
Bài 2: Vĩnh Thuận những năm tháng đầy gian lao mà anh dũng
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, đêm 11 rạng sáng ngày 12/4/1964, quân dân huyện cùng với Trung đoàn 96, Tiểu đoàn 306, 309 của Quân khu đã tấn công Chi khu Kiên Long, đánh trận địa pháo, cơ quan hành chính của địch, trụ sở tề xã và căn cứ bảo an của huyện. Trận đánh này ta diệt gần 100 tên, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly. Thừa thắng ta đánh địch tiếp viện trên cả đường bộ, đường thủy và đường không, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Trong 7 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân dân Vĩnh Thuận đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 500 tên địch, bắn cháy và hư 10 máy bay, thu nhiều vũ khí có giá trị. Chiến thắng lớn của trận đánh này giáng cho địch một đòn rất đau. Làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy, mở rộng vùng giải phóng phá ấp chiến lược, đẩy mạnh phong trào đấu tranh giành độc lập, tạo niềm tin cho nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện kế hoạch bình định với chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh", địch dùng mọi thủ đoạn hết sức tàn bạo, dùng đủ các loại bom pháo, đóng đồn, lấn chiếm khắp nơi. Tại địa bàn huyện Vĩnh Thuận, có lúc địch tập trung lực lượng cả 2 đoàn chủ lực (Sư đoàn 21 và Sư đoàn 9), Lữ đoàn A, B thủy quân lục chiến, một “hạm đội nhỏ trên sông" cả trăm chiếc lớn nhỏ, 2 thiết đoàn M 113 gồm 74 chiếc; 32 đại đội bảo an trinh sát, biệt kích, 3 tiểu đoàn pháo binh cơ động cùng nhiều máy bay, kể cả B52 và bom 7 tấn. Hết sức nguy hiểm là địch dùng chiến thuật trực thăng “nhảy dù cóc", một ngày đánh hai, ba điểm. Ban đêm máy bay chiến đấu của địch thả pháo sáng bắn phá vào nhà dân, vào cơ quan, vào đường dây chuyển quân, vũ khí… Có thể nói tiếng bom, tiếng pháo, tiếng súng đánh phá của địch ầm ĩ suốt ngày đêm. Ở vùng kềm địch kiểm soát gắt gao không cho dân về ruộng, vườn cũ để tiếp tế lương thực, thuốc men, cung cấp tin tức cho ta, nhằm cắt đứt quan hệ giữa dân với cách mạng. Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn của Đảng bộ huyện.
Những năm 1969-1972, địch liên tiếp 3 lần mở chiến dịch bình định “Nhổ cỏ U Minh"; tập trung lực lượng, kể cả lực lượng tổng dự bị trung ương ngụy như thủy quân lục chiến, biệt động quân… với vũ khí hiện đại B52, pháo bầy. Chúng sử dụng nhiều chiến thuật tân kỳ như hạm đội nhỏ trên sông, đánh ác liệt liên tục, đóng đồn lấp kính U Minh… Nhưng Đảng bộ và quân dân Vĩnh Thuận dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tự lực tự cường; xây dựng căn cứ và hậu phương vững mạnh là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi cho mọi phong trào cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Thuận là một huyện vùng căn cứ cách mạng, cũng là huyện trọng điểm bị đánh phá, lấn chiếm của địch. Chúng tập trung lực lượng đông và mạnh như quân bảo an, dân vệ, địa phương, chủ lực tăng cường bộ máy kềm kẹp. Hơn thế nữa, chúng còn sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại và các chiến thuật như trực thăng vận (nhảy dù, đổ quân), pháo đài bay B52, thiết xa vận, hạm đội nhỏ trên sông… đánh phá, rải chất độc hóa học để phá hoại địa hình, tiêu diệt cán bộ và nhân dân ta. Chúng mở hàng ngàn cuộc càn quét đánh phá và mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh" để quyết giành dân, giành đất với ta. Song quân và dân huyện Vĩnh Thuận vẫn kiên cường bám trụ quyết chiến, quyết thắng với kẻ thù.
Mãnh đất và con người nơi đây đã từng nuôi chứa, bảo vệ an toàn nhiều cán bộ lãnh đạo củaTrung ương, Khu tây Nam Bộ, Tỉnh uỷ Rạch Giá và đóng góp sức người, sức của góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Đảng bộ và quân dân huyện Vĩnh Thuận đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha anh, một lòng tin tưởng theo Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Quân và dân huyện nhà đã đoàn kết viết nên những trang sử hào hùng bằng xương máu, bằng mồ hôi và nước mắt. Nhiều cán bộ, chiến sỹ cách mạng và nhân dân chịu biết bao cực hình tra tấn và hy sinh ở các nhà tù của thực dân, đế quốc. Đặc biệt từ năm 1955-1957,hàng ngàn đảng viên và quần chúng yêu nước bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam cầm, tra tấn, sát hại tại khu nhà giam An Phước (Rừng Tràm Bang Biện Phú).
Ngày 20/12/1994, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh đã ký tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Thuận đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Các xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong được phong tặng xã Anh hùng. Huyện có các đồng chí Đặng Chí Anh (Hai Công Nhân), Mai Thành Tâm, Mai Văn Trương, Phạm Thành Lượng (Phạm Truyền Thống) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Võ Thanh Xuân
Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Vĩnh Thuận