Đoàn công tác quận Yeonsu-Gu, tỉnh Incheon, Hàn Quốc, thăm và làm việc với thành phố Phú Quốc về việc hợp tác, giao lưu thương mại giữa hai thành phố trong nhiều lĩnh vực.
Tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách ưu tiên mời gọi đầu tư tập trung vào các lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, như: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển du lịch với định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, tỉnh đưa ra các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển theo từng lĩnh vực kêu gọi đầu tư, thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Kiên Giang thu hút được 11 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 27 triệu USD (tương đương 627 tỷ đồng). Đến nay, toàn tỉnh có 56 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực đầu tư vào các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại, dịch vụ... với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD.
Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng, đặc biệt trong các doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất áp dụng kỹ thuật công nghệ cao. Năm 2019, số lao động trong khu vực đầu tư nước ngoài khoảng 5.440 người, đến tháng 6/2024 là gần 9.000 người, tăng 62,4% so với năm 2019; bình quân mỗi năm thu hút thêm khoảng 800-1.000 lao động vào làm việc.
Tỉnh luôn tuân thủ theo các cam kết quốc tế và quy định pháp luật về bảo hộ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, các kênh truyền thông, tranh thủ tối đa sự hợp tác của các đối tác nước ngoài, như: Hội doanh nghiệp Nhật Bản, Ấn độ, Singapore…; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (GIC/AHK)... để quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu tư, thương mại và du lịch.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với các dự án ưu tiên trong quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ... Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo chuyển biến mang tính đột phá trong việc cải thiện hình ảnh của tỉnh với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thực hiện thực chất và có hiệu quả các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký; hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp trong hợp tác, kết nối với các đối tác nước ngoài, tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục mở rộng quan hệ các địa phương, đối tác ở các nước như: Thái Lan, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ,...
Quan hệ chặt chẽ với các tỉnh giáp biên theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết trên các lĩnh vực. Thực hiện tốt công tác lãnh sự và bảo hộ công dân; tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, đảm bảo có hiệu quả, đúng thành phần, đối tượng và mục đích chuyến công tác. Tăng cường công tác phối hợp quản lý bảo vệ biên giới đất liền và vùng biển, đảo.
Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng thu hút, đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Nguyễn Hoa