Sign In

Kiên Giang tập trung hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025

00:00 17/02/2024
​Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện khá đồng bộ, được đông đảo nhân dân quan tâm, đồng tình hưởng ứng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

17-2-24 _9a27a88410cc813010afb71d642f13d1.jpg

Đường vào xã nông thôn mới Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Ảnh: MT


Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai sôi nổi, rộng khắp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, mạng lưới giao thông nông thôn phát triển; công tác giáo dục, văn hóa, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đến nay, toàn tỉnh có 111/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế: Việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới từng lúc, từng nơi còn chậm; có nơi không ban hành văn bản chuyên đề để chỉ đạo thực hiện mà lồng ghép vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy;công tác tuyên truyền từng lúc thiếu thường xuyên, quyết liệt. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa đồng đều; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới có phần lắng xuống so với các giai đoạn trước; nhiều mô hình được tổ chức thực hiện có hiệu quả nhưng chậm được nhân rộng và không duy trì lâu; chưa có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, chưa có huyện đạt nông thôn mới nâng cao...

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu 2021-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về nội dung này. Trong đó, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách củaĐảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thường xuyên tuyên truyền vận động, phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong cán bộ và nhân dân. Nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nhất là việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đúng theo mục tiêu, lộ trình, nội dung đề ra. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xem đây là một trong những tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương hàng năm của tập thể, cá nhân.

Hai là, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đúng với lộ trình đã đề ra, thực hiện bức phá trong năm cuối nhiệm kỳ; huy động có hiệu quả nguồn lực từ xã hội hóa, trong nhân dân, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực hiện tốt việc lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các công trình liên quan đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và phát triển sản xuất, nhất là ở vùng còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng và nhân rộng các mô hình để sản xuất có hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Đổi mới phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Xác định người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể thực hiện và hưởng thụ, Nhà nước định hướng, hướng dẫn, tổ chức và hỗ trợ thực hiện.

Ba là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và giữa Mặt trận với với các tổ chức thành viên cùng cấp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua khác khác để tránh chồng chéo về nội dụng, đối tượng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thiết thực và đạt hiệu quả cao nhất. Chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, gắn với khen thưởng để kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể, địa phương, đơn vị có nhiều thành tích trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện đạt các chỉ tiêu và lộ trình các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh trong hơn một năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025.

Rà soát, khẩn trương hoàn thành việc cụ thể hóa các quy định, cơ chế chính sách thực hiện tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp; kịp thời chỉ đạo công tác nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh những quy định còn bất cập thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; chú trọng thực hiện các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học-công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, với quy mô sản xuất hàng hóa. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp phát triển, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết.

Tiếp tục huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải lãng phí; ưu tiên đầu tư cho các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hằng năm và cả giai đoạn; chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí các xã đã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm là, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn những cách làm mới, sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền đến các địa phương áp dụng và nhân rộng.

Bảy là, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ các tổ chức, cá nhân chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới; đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tám là, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hằng quý báo cáo tình hình, kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ban Biên tập

Tag:

File đính kèm