Sign In

Kinh tế Kiên Giang có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện

10:08 15/05/2024
Sáng 14-5, đoàn công tác của Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp đoàn.

Các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ hai, từ trái qua) - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Thanh Bình (thứ ba, từ phải qua) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang khảo sát hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Văn Huỳnh báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại Kiên Giang. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy Kiên Giang đã vận dụng sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo chính quyền và nhân dân Kiên Giang phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện Kiên Giang đứng thứ hai về quy mô kinh tế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân được cải thiện, nông thôn từng bước được đổi mới; nội bộ đoàn kết, thống nhất, chính trị ổn định, Đảng bộ tỉnh từng bước trưởng thành.

3 năm gần đây, thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, mức tăng GRDP của Kiên Giang đạt bình quân 5,29% trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên 3.000 USD. Lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường của tỉnh có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của tỉnh trong một số lĩnh vực, hoạt động; đồng thời, gợi mở một số vấn đề Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, Kiên Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đặc biệt coi trọng xây dựng, củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển văn hóa, xã hội và con người, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo nhằm tạo động lực cho việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết đoàn công tác ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của tỉnh để báo cáo Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

l Trước đó, chiều 13-5, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác của Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng đến khảo sát hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, xã Bình An (Châu Thành). Đi cùng đoàn có đồng chí Đỗ Thanh Bình.

Tiếp đoàn khảo sát, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết sau hơn 2 năm đi vào vận hành, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho 346.241ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng. Mùa khô năm 2023-2024, công ty đã vận hành kiểm soát mặn tại các điểm khống chế vận hành (Trâm Bầu, Cái Tư), duy trì dưới ngưỡng quy định. Việc vận hành các công trình đã hỗ trợ tối đa việc tiêu rút mặn, giảm độ mặn tại các điểm khống chế, đảm bảo nguồn nước không ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh, kinh tế 5 tỉnh vùng hưởng lợi; giao thông thủy qua công trình thuận lợi, an toàn.

Tuy nhiên, hệ thống các công trình phân ranh trong các hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh (Quản Lộ - Phụng Hiệp, Cái Lớn - Cái Bé), công trình kiểm soát mặn từ phía Cà Mau chưa có, công trình kiểm soát mặn từ Biển Đông và Biển Tây chưa hoàn chỉnh. Do đó, nếu chỉ vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé thì không thể chủ động kiểm soát tốt vấn đề mặn xâm nhập bên trong vùng hưởng lợi của dự án.

Trong chuyến khảo sát, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý thời gian tới Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh liên quan xây dựng kế hoạch vận hành sát với thực tế, đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh, kinh tế vùng dự án, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội./.

Đặng Linh

Tag:

File đính kèm