Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Biên tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các sự kiện lịch sử địa phương trong tình hình mới".
Tổ chức kỷ niệm và tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của địa phương là nội dung quan trọng của công tác tư tưởng. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng; tôn vinh công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền bối cách mạng có công với đất nước; thể hiện tình cảm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy và hun đúc lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; lan tỏa, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ở tỉnh Kiên Giang, hằng năm, ngoài các hoạt động của Ban Chỉ đạo các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh. Theo đó, các huyện, thành ủy tham mưu, xin ý kiến của tỉnh để tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở cấp mình từng bước trở nên bài bản, hiệu quả.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, các cấp, các ngành cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nghiêm túc; tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả,… theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo hướng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn, bảo đảm kịp thời, đúng định hướng chính trị, tư tưởng.
Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, tâm huyết với công việc. Vận động các tổ chức, cá nhân, nhất là các văn nghệ sĩ, trí thức sáng tác và quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị chính trị, tư tưởng và tính nghệ thuật cao để chào mừng các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện. Phát huy vai trò của các đồng chí lão thành cách mạng, hưu trí, giảng viên lý luận, người có uy tín tham gia vào công tác tuyên truyền. Tùy theo sự kiện mà hoạt động tuyên truyền cần được tổ chức đồng bộ, với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, sự phối hợp tuyên truyền của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phong trào văn hóa, văn nghệ… tạo nên sức mạnh cộng hưởng mang giá trị lay động lớn, lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, các phương tiện thông tin cổ động, hệ thống truyền thanh - truyền hình, internet, mạng xã hội phải tuyên truyền đậm nét để tạo hiệu ứng tích cực, góp phần đưa các sự kiện lớn trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền truyền thống, như: Thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; sinh hoạt của các tổ chức chính trị-xã hội, họp tổ nhân dân tự quản; các phương tiện truyền thanh, truyền hình, cổ động trực quan; hội thảo, tọa đàm; các hoạt động giao lưu, gặp mặt, nói chuyện truyền thống; các hoạt động về nguồn, du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm, chiếu phim; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa", thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng... Ngoài ra, khuyến khích, đặt hàng, khai thác các bài viết có nội dung liên quan để tuyên truyền; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là phát huy tốt các trang/cổng thông tin điện tử, tạo mã QR, SMS,… để nâng cao chất lượng, làm phong phú nội dung tuyên truyền.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong triển khai các hoạt động tuyên truyền. Chủ động tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin xấu độc, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Một dân tộc muốn phát triển, muốn trường tồn phải dựa trên nền văn hoá, lịch sử của chính mình, tất nhiên đó không phải là hô hào, hình thức, mà phải bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Trong đó, các cơ quan chức năng có vai trò quan trọng như tuyên giáo, văn hóa… phải phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng bằng các hình thức phù hợp. Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, để mọi giới, mọi ngành cùng nhau ra sức thi đua phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, hoàn thành mục tiêu, khát vọng mà Đảng và Nhân dân ta đã đề ra là xây dựng đất nước “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trần Quốc Giang
Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang