Trong đó, dấu mốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng là vào tháng 3/2021, lần đầu tiên, Bộ Chính trị triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong 2 ngày 27 – 28/3. Đã có 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.400 điểm cầu cơ sở và gần 1 triệu đảng viên được triệu tập tham gia Hội nghị.
Tiếp đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), các hội nghị quan trọng, các hội nghị quán triệt nghị quyết hội nghị Trung ương khóa XIII, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng cũng diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Năm 2022, trong các ngày 21-22/7, ngày 5-6/12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (thành phố Hà Nội) và hơn 11.600 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.
Gần đây nhất, ngày 20/10/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
| Các TCCSĐ tham gia học tập, quán triệt nghị quyết qua hình thức trực tuyến. Ảnh: S.C |
|
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 14.934 điểm cầu, với hơn 1,2 triệu đảng viên tham dự ở các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Những hội nghị học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết trên cho thấy sự chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt khi lần đầu tiên rất nhiều cán bộ, đảng viên được nghe các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng truyền đạt nghị quyết một cách trực tiếp mà không phải thông qua các cấp trung gian.
Ở tỉnh ta, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, Đảng bộ tỉnh cũng thay đổi theo hướng ứng dụng chuyển đổi số.
Theo đó, nhiều hội nghị học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp kết hợp trực tuyến được tổ chức thường xuyên hơn, ngày càng đi vào nền nếp.
Với hình thức mới này, những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, của Đảng bộ tỉnh; những điểm chính yếu, quan trọng của mỗi nghị quyết đều được truyền đạt một cách trực tiếp, nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất tới từng cán bộ, đảng viên.
Theo ghi nhận, sự đổi mới kịp thời này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hết sức đồng tình, ủng hộ. Đa số đều cho rằng, sự chuyển biến, thay đổi phương thức học tập nghị quyết là tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số.
Đồng thời thể hiện đúng tinh thần nội dung Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nội dung các nghị quyết nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác, mà việc tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến còn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, khi cắt giảm được nhiều hội nghị ở các cấp trung gian khác nhau.
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, cần nâng cấp, hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung. Khẩn trương số hóa dữ liệu bảo đảm tập trung, thông suốt trên môi trường số.
Phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền phục vụ chuyển đổi số của các cơ quan đảng vận hành chung với hạ tầng số của các cơ quan nhà nước, sử dụng triệt để hệ thống tập trung, tránh trùng lặp.
Tăng cường đầu tư phòng họp trực tuyến ở các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn, vì hiện nay đang thiếu thốn trang thiết bị, hạ tầng số chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Có các giải pháp kỹ thuật để thông tin được bảo mật an toàn, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị dựa vào đó để cắt xén một phần rồi xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính liên tục, thông suốt, chất lượng của đường truyền kết nối giữa các điểm cầu với điểm cầu trung tâm ở Trung ương, để các đại biểu dù ở điểm cầu nào cũng có thể nghe được trọn vẹn các nội dung từ báo cáo viên cao cấp trình bày.
Đặc biệt quan trọng là phải tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết thật nghiêm túc, chất lượng. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấu suốt, nắm vững những nội dung cơ bản của nghị quyết, có nhận thức đúng để triển khai hành động đúng.
Kiên quyết khắc phục triệt để hiện tượng tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết nặng về phô trương hình thức. Lấy kết quả học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải phát huy tối đa tinh thần tự học tập, nghiên cứu nghị quyết của mình. Không vì học trực tuyến mà lơ là, chủ quan, thiếu tự giác trong nghiên cứu, học tập nghị quyết.
Sông Côn