Sign In

Phát triển đội ngũ trí thức

06:45 12/05/2024
Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ trí thức có chất lượng cao của tỉnh, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quan điểm nhất quán nhiều năm qua. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Chương trình số 83-CTr/TU ngày 6/5/2024 của Tỉnh ủy.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh luôn quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ trí thức. Vì vậy, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển đội ngũ trí thức được ban hành, phát huy hiệu quả, góp phần thu hút, bố trí, sử dụng trí thức.

Có thể kể đến Chương trình hành động số 58-CTr/TU ngày 8/10/2008 thực hiện Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy; Quyết định 33/2010/QĐ-UBND ngày 23/5/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”; Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Hàng năm chú trọng công tác thi đua khen thưởng, thông qua các hoạt động như tổ chức gặp mặt đầu năm, trao tặng các giải thưởng. Từ đó khuyến khích, tôn vinh trí thức có thành tích trong hoạt động báo chí, văn học - nghệ thuật, khoa học và phát triển công nghệ.

Thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho trí thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

 
Hỗ trợ và tạo điều kiện cho trí thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: S.C

 

Với sự quan tâm đặc biệt ấy, đội ngũ trí thức Kon Tum đang từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về số lượng, theo số liệu thống kê, hiện đội ngũ trí thức của tỉnh (trình độ đại học trở lên) có hơn 9.500 người. Trong đó, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh thu hút được 56.193 hội viên, sinh hoạt ở 11 hội thành viên và 3 đơn vị trực thuộc.

Về chất lượng, đội ngũ trí thức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vững vàng về tư tưởng chính trị; năng động, đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, nhất là trên các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, luôn tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; góp phần tích cực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội thông qua hoạt động tham mưu, góp ý, phản biện xã hội.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động cho thấy, đội ngũ trí thức ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, số lượng trí thức còn ít so với yêu cầu; thiếu hụt đội ngũ cán bộ đầu đàn, các nhà khoa học, nghiên cứu chuyên sâu; phân bổ chưa đều giữa các lĩnh vực, địa bàn và còn hạn chế về điều kiện để phát huy thế mạnh.

Về chất lượng, nhìn chung, năng lực sáng tạo, khả năng thực hành, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin của nhiều trí thức còn hạn chế. 

Khâu sử dụng, đào tạo, bố trí trí thức chưa hợp lý; một số nơi, lãnh đạo thiếu quan tâm tạo điều kiện để trí thức, nhất là trí thức trẻ phấn đấu trưởng thành.

Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ trí thức có chất lượng cao của tỉnh, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quan điểm nhất quán nhiều năm qua.

Quan điểm ấy tiếp tục được khẳng định tại Chương trình số 83-CTr/TU ngày 6/5/2024 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức; tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ, phát huy vai trò, trách nhiệm.

Tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ trí thức của tỉnh có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý trong ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lưu ý cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường làm việc thuận lợi, điều kiện vật chất để trí thức phát triển năng lực và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Tạo điều kiện để trí thức đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và trách nhiệm của trí thức đối với xã hội. Trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trí thức trẻ tiếp cận với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối trí thức khởi nghiệp với các doanh nghiệp.

Và đặc biệt, cần thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển bền vững. 

Sông Côn

Tag:

File đính kèm