Dự Hội nghị có thành viên Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Chi cục Kiểm lâm, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố.
Tính đến thời điểm báo cáo, diện tích có rừng, rừng trồng chưa thành rừng và diện tích cao su toàn tỉnh ước đạt 501.484 ha, tăng 6.643 ha so với năm 2023; trong đó, diện tích rừng tự nhiên ước đạt 458.936 ha, diện tích rừng trồng ước đạt 29.612 ha, diện tích cây cao su 12.936 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,86%, tăng 0,51% so với năm 2023.
Mùa khô 2023 - 2024, các lực lượng chức năng đã tổ chức cuộc họp, lồng ghép các cuộc họp tuyên truyền tới 1.185 lượt thôn, bản với 98.028 lượt người dân tham gia, tuyên truyền đến 18 trường học với 6.747 lượt học sinh tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đến 19.036 lượt hộ gia đình. Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh Lai Châu tổ chức 02 đợt kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; chỉ đạo tổ chức thành công 02 cuộc diễn tập cấp huyện về tìm kiếm cứu nạn và PCCCR tại huyện Than Uyên và Thành phố Lai Châu; các huyện, thành phố tổ chức 10 cuộc diễn tập cấp xã; chỉ đạo các huyện Than Uyên, Tam Đường, Tân Uyên tiếp tục duy trì 26 chốt canh gác tạm thời và 17 chốt gác kiên cố tại cửa rừng thuộc các xã trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để kiểm soát người ra, vào rừng, phát hiện kịp thời lửa rừng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra; duy tu, bảo dưỡng đường băng trắng cản lửa được 129,54 km; củng cố kiện toàn 106 Ban Chỉ huy cấp xã với 2.920 thành viên và 868 Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng thôn, bản với 59.684 thành viên.
Công tác thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh thường xuyên được cập nhật và thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương, các chủ rừng, qua đó đã chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng...
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, đặc biệt là cấp xã; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng; duy trì và tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ, đội quần chúng tham gia quản lý bảo vệ rừng; tổ chức tốt lực lượng để chữa cháy rừng tại cơ sở để đảm bảo PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ...
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô 2024 - 2025; công tác khai thác lâm sản trong rừng; tiếp tục rà soát các dự án đầu tư trồng rừng trên địa bàn tỉnh; trồng dược liệu dưới tán rừng...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng bảo vệ rừng, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCCCR các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra các điều kiện cần thiết cho công tác PCCCR. Các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, chủ rừng về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCCR.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh; thường xuyên cập nhật và thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương, các chủ rừng để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng; tuần tra, theo dõi phát hiện sớm những điểm cháy; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng trong hoạt động bảo vệ rừng và PCCCR.
UBND các huyện, thành phố nghiên cứu hạ tầng lâm sinh và nội vùng sản xuất tỉnh Lai Châu để phục vụ cho du lịch; rà soát kỹ và thống nhất hướng tuyến để đề xuất phát triển vùng Sâm, vùng Đỗ Quyên, vùng Trà cổ, vùng Trà hoa đỏ; khẩn trương thực hiện việc giao rừng cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ; chuẩn bị tốt kế hoạch trồng rừng năm 2025; rà soát diện tích đất có cây tái sinh có đủ điều kiện chuyển trạng thái thành rừng.
Các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR đối với diện tích rừng do đơn vị quản lý; phân công trực, tuần tra, canh gác thường xuyên, theo dõi phát hiện lửa rừng 24/24 giờ trong những ngày cao điểm nắng nóng, khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy, không để xảy ra cháy rừng; đầu tư trang bị phương tiện, công cụ và có kế hoạch tu sửa, xây dựng đường băng cản lửa và làm giảm vật liệu cháy ngay từ đầu mùa khô...