Sign In

Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024: Xuất hiện những điểm sáng nhưng thách thức vẫn còn nhiều

15:56 04/06/2024

(LĐ online) - Lâm Đồng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù một số lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5/2024.

Ngày 4/6, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. Qua đánh giá, phân tích tại hội nghị cho thấy, bức tranh kinh tế tháng 5 mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng một số lĩnh vực quan trọng vẫn còn rất nhiều thách thức. 5 tháng đầu năm, thu ngân sách không đạt yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp…

Chủ trì Hội nghị
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị

ĐIỂM SÁNG

Có thể điểm qua một số kết quả nổi bật trong tháng 5 và 5 tháng qua, đó là công tác kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi khá hiệu quả khi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không bùng phát diện rộng. 

Công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được quan tâm, triển khai thực hiện tốt hơn, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, diện tích thiệt hại do phá rừng giảm, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm so với cùng kỳ.

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Thu ngân sách tháng 5 đạt khoảng 1.140 tỷ (so với 925 tỷ tháng 5/2023). Trong đó, khối huyện thu cao hơn so với khối tỉnh, đặc biệt là về thuế phí và lệ phí. Về thuế phí, có 3 địa phương thu đạt cao nhất là Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đơn Dương, đạt cao hơn so với dự toán được giao.

Về phát triển kinh tế, trong tháng 5, giá trị sản xuất tăng 4,5% so với cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi (tăng 2,4%), khách du lịch đến Lâm Đồng tăng 8,3% (khách quốc tế tăng 27,7%) kéo theo các dịch vụ vui chơi giải trí và ngành bán lẻ cũng tăng trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,6%.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Trong 5 tháng qua, các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức thu hút lượng khách du lịch. Chính sách người có công được thực hiện tốt, an sinh xã hội được đảm bảo, nhà ở xã hội, công tác giảm nghèo, hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế được quan tâm. 

Tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đặc biệt tình hình tai nạn giao thông giảm sâu về số người chết.

• CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực đang đối mặt với những khó khăn. Kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nhưng chậm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng.

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị

Theo lãnh đạo Cục Thống kê, tình hình phát triển kinh tế 5 tháng qua rất thấp, thu thuế phí 5 tháng qua cũng đạt rất thấp. Thuỷ điện vốn chiếm đến 5% trong ngành công nghiệp của tỉnh nhưng thu phí thuế sản xuất lĩnh vực này cũng rất thấp do ảnh hưởng của hạn hán.

Ước tăng trưởng kinh tế 5 tháng qua chỉ đạt 2,97%, thấp hơn so cùng kỳ với năm 2023. Trong đó, một số lĩnh vực quan trọng của tỉnh là nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng đều giảm so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực dịch vụ, các năm trước đều có tỷ lệ tăng trưởng rất cao, nhưng năm nay mức tăng trưởng cũng đạt thấp.

Đại diện các ban, ngành dự hội nghị

Thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, một số khoản thu đạt thấp tập trung ở các doanh nghiệp nhà nước Trung ương, thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thu từ đất và nhà, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu hải quan...

Các địa phương vốn có nguồn thu lớn của tỉnh như Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc trong các năm trước nhưng trong 5 tháng đầu năm nay mức thu đạt thấp hơn so với năm ngoái.

Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công hết sức chậm (chỉ đạt 12,8% kế hoạch). Theo báo cáo của hầu hết các địa phương và sở, ngành tại hội nghị, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công rất chậm. Hầu hết các ngành, các địa phương đều có con số giải ngân dưới 30%. Một số dự án của năm 2023 không được phép kéo dài, tập trung nhiều vào các dự án giao thông ở các địa phương và dự án thuộc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, nhưng không giải ngân được, có một số dự án không giải ngân được đồng nào. 

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, các địa phương thu ngân sách đạt thấp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách

Đặc biệt, các dự án đầu tư lớn gần như dậm chân tại chỗ như 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, dự án hồ Ta Hoét, dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; còn tình trạng trễ hạn giải quyết hồ sơ, tập trung vào lĩnh vực đất đai. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngâm hồ sơ, nhất là trong lĩnh vực đất đai. 

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung nêu các nguyên nhân, vướng mắc khiến tình hình thu thuế phí chậm còn công tác giải ngân vốn đầu tư công quá chậm; tình hình sản xuất một số lĩnh vực hiệu quả cũng đạt thấp so với cùng kỳ năm 2024.

Theo lãnh đạo các địa phương, tình hình sản xuất 5 tháng đầu năm ảnh hưởng do tình hình thời tiết; sản xuất điện, nông nghiệp bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.

Các công trình dự án trọng điểm của địa phương chậm tiến độ do gặp vướng mắc công tác giải phóng mặt mặt, bồi thường, tái định cư, định canh chưa thể tháo gỡ; năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn yếu…

• CẦN CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH 

Về vấn đề thu ngân sách, Cục Thuế kiến nghị, các địa phương thu ngân sách đạt thấp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách; cần xây dựng lộ trình thu thuế, phí và cụ thể hoá trách nhiệm để triển khai công tác thu ngân sách hiệu quả. Ngành Thuế cũng kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp để thu hút đầu tư, thúc đẩy các họat động sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân của những hạn chế còn là do công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, dẫn đến thiếu hiệu quả. Các địa phương chưa chủ động phân tích, dự báo, giải quyết khó khăn, nhất là công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm.

“Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thực hiện phân cấp để các địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhưng tiến độ giải ngân các dự án vẫn rất chậm. Việc không giải phóng được mặt bằng, không giải ngân được vốn một phần là do các địa phương còn chủ quan, kế hoạch triển khai dự án kém; quá trình thẩm định lựa chọn nhà thầu kém. Hiện nay, còn có tình trạng các địa phương, sở ngành chỉ để ý đến việc xin chủ trương đầu tư, xin vốn nhưng khâu thẩm định đầu tư thì thực hiện không tốt, chưa chú trọng đến thẩm định hiệu quả giải ngân của dự án”, đồng chí Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh.

Lãnh đạo Công an tỉnh phát biểu về tình hình đảm bảo an ninh trật tự

Trên cơ sở đó, đồng chí Võ Ngọc Hiệp chỉ đạo: “Thời gian tới, đề nghị các sở, ngành, địa phương cần khắc phục triệt để vấn đề này. Các địa phương, sở, ngành cần nâng cao chất lượng từ khâu đề xuất đầu tư đến khâu thẩm định dự án. Cần báo cáo rõ các điều kiện để thúc đẩy dự án và tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công (như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sự phù hợp với quy hoạch?), tránh trường hợp để chậm như hiện nay”.

• THỰC HIỆN TỐT CHỈ THỊ 34 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ

Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nêu quan điểm: Tất cả vấn đề UBND tỉnh đều đã có chỉ đạo, tuy nhiên, có thể thấy khâu chấp hành và theo dõi, giám sát một số vấn đề, lĩnh vực chỉ đạo của UBND tỉnh ở một số địa phương, sở, ngành còn hạn chế và chưa quyết liệt.

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp phát biểu kết luận hội nghị

Đồng chí đề nghị, ngay sau cuộc họp này, từng sở, ngành, địa phương phải rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, đánh giá các kết quả đạt được, tập trung vào những tồn tại, hạn chế, khó khăn và đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục, nỗ lực hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trong những tháng còn lại. Trong đó, đồng chí đặc biệt yêu cầu phải quan tâm đến việc giải quyết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. “Tôi yêu cầu các sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% phải có báo cáo, đánh giá tiến độ, giải trình và nêu rõ biện pháp khắc phục, lộ trình tổ chức thực hiện gửi cho UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh”.

Về thu ngân sách, theo nhận định địa phương nào cũng nói triển khai quyết liệt nhưng sự quyết liệt còn chung chung. Vì vậy, đến thời điểm này, phải đi vào cụ thể, phải có kế hoạch cụ thể. 

Lãnh đạo các sở, ban, ngành dự hội nghị

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp cũng yêu cầu, những tháng còn lại, các sở, ngành, địa phương cũng cần quan tâm và tập trung giải quyết các thủ tục hành chính; rà soát, chấn chỉnh cách thức thực hiện, đặc biệt là ở các sở, ngành. “Thủ tục nào giải quyết được thì giải quyết nhanh, không được thì trả lời rõ ràng, nêu rõ lý do tại sao không được; không được để người dân và doanh nghiệp kêu ca về vấn đề này, nhất là trong lĩnh vực đất đai”, đồng chí Võ Ngọc Hiệp yêu cầu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và quản lý đất đai, khoáng sản; tập trung tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các hoạt động sinh hoạt hè cho các cháu. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch khẩn trương tham mưu UBND tỉnh về công tác tổ chức Festival Hoa. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai; công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp cũng nhấn mạnh và yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ; thực hiện tốt Chỉ thị 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cái nào trúng thì làm, không đúng thì dứt khoát không làm.

Tag:

File đính kèm