Sign In

Lạng Sơn chú trọng đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới

21:05 22/08/2023

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên Nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện với nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

1

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Hoạt động giám sát được tổ chức triển khai đa dạng cả về nội dung và phương pháp. Các nghị quyết do Hội đồng nhân dân các cấp ban hành cơ bản đã bao quát toàn diện các lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tiễn, làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện. Hoạt động tiếp xúc cử tri và theo dõi giải quyết kiến nghị của cử tri có nhiều cải tiến về cả hình thức và chất lượng. Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND các cấp; các phiên chất vấn của HĐND luôn tạo được không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút được cử tri quan tâm. Quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ý thức trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên, công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ngày càng đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của cơ quan dân cử.

Ủy ban nhân dân các cấp bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, kịp thời cụ thể hóa các nội dung công việc thuộc thẩm quyền, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết và kiến nghị của Hội đồng nhân dân. Trong công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đổi mới sáng tạo, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, từng địa bàn, lĩnh vực gắn với đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính theo chủ đề “siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”; phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận của chính quyền; UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 02/HD-UBND, ngày 15/5/2017 về thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác đối thoại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với nhân dân, trong đó tập trung đối thoại những vấn đề nhân dân quan tâm; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và nhà đầu tư tích cực giải quyết những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án, nhất là những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

Chính quyền các cấp triển khai thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện cấp cơ sở”; công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Tổ chức bộ máy tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ được tăng cường; thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Việc công khai minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước và thực hiện thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc.

Công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực gắn với đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Chỉ đạo đổi mới công tác tập hợp đoàn viên, hội viên, hướng các hoạt động về cơ sở với phương châm gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy và đề nghị chính quyền xem xét giải quyết. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng nâng cao vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Triển khai sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, và tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt “Xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới” đạt nhiều kết quả…

Các phong trào thi đua yêu nước và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiếp tục được phát huy, nhân rộng trên địa bàn; tăng cường phối hợp triển khai, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”; vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao các tiêu chí về nông thôn mới. Các phong trào được triển khai ngày càng sâu rộng, lan tỏa, có tác dụng tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét trong đời sống xã hội, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”…

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Việc cụ thể hóa một số văn bản về công tác dân vận tại một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, chưa đề ra các tiêu chí cụ thể để phấn đấu; công tác tuyên truyền, quán triệt đôi lúc còn chậm, công tác kiểm tra, giám sát có lúc có việc chưa được thường xuyên. Nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền cấp cơ sở đối với công tác dân vận tuy được đổi mới nhưng hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa cao. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” triển khai ở một số đơn vị còn thiếu cụ thể, chưa có nhiều mô hình mang tính đột phá trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đồng đều giữa các vùng, chưa góp phần tích cực trong giải quyết khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi, đặc biệt là cấp cơ sở còn hạn chế. Công tác tập hợp phát triển đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội còn gặp nhiều khó khăn…

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đổi mới công tác dân dận trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu để quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của tỉnh về công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, sâu sắc các mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phối hợp đẩy mạnh tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp gắn với triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả. Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên trong tổ chức; làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; làm nòng cốt chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát huy vai trò công tác dân vận, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước trong lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân; giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Thường xuyên nắm chắc tình hình, đời sống, tâm trạng các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo nhận thức đúng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh, phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, trọng tâm là nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở. Cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để Nhân dân làm chủ; với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở phù hợp thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ làm công tác tham mưu cho cấp uỷ về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo có trình độ năng lực, kỹ năng, có phẩm chất đạo đức, tác phong công tác vận động quần chúng. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vương Hoà

Tag:

File đính kèm