Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đã phát huy hiệu quả. Nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân không ngừng được nâng cao. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường đã được cụ thể hóa phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Hội viên nông dân thôn Quyết Tiến, xã Tân Mỹ tham gia trồng hoa và vệ sinh đường làng (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)
Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao. Các ngành chức năng của tỉnh tăng cường quản lý và thực thi pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường gắn với các sự kiện, ngày kỷ niệm như: Ngày Môi trường thế giới 5-6, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường (29-4 đến 6-5), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (20-9), Ngày Đa dạng sinh học (22-5)… tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát động rộng rãi đến các địa phương, cơ quan, đơn vị ra quân làm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, thu gom xử lý chất thải, rác thải; tổ chức tọa đàm, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường...
Tuyên truyền thực hiện tốt Luật Sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Tỉnh đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo phát hành Cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng đối với các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Chỉ đạo tổ chức các hoạt động như hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất; ban hành văn bản hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Công ty Điện lực Lạng Sơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn. Qua công tác tuyên truyền, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực trong tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt được tổ chức định kỳ hàng tháng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ sản xuất, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân; đặc biệt là các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn luôn được quan tâm và tổ chức thực hiện đạt kết quả. Việc đầu tư xây dựng các dự án, nhiệm vụ về môi trường, bước đầu có tác dụng giải quyết kịp thời các bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện ngay từ đầu ở giai đoạn dự án, nhất là các dự án buộc phải lập đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường. Trong công tác thẩm định các dự án đầu tư, tỉnh yêu cầu cơ quan thẩm định dự án đánh giá cụ thể các yếu tố liên quan đến môi trường, nâng cao trách nhiệm của cán bộ thẩm định trong việc đánh giá, rà soát các dự án bảo đảm sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư được triển khai thuận lợi, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến biến đối khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án xử lý rác thải, các dự án có yếu tố liên quan đến môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là các dự án có nguy cơ tác động tới biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Từ đó, góp phần kiềm chế, làm chậm lại tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống cho Nhân dân.
Tăng cường công tác quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường: nâng cao năng lực thu gom, thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải. Chất thải y tế được phân định, phân loại theo từng loại chất thải theo quy định. Các cơ sở y tế đã được trang bị, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải rắn y tế, nước thải y tế; qua đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất thải y tế theo quy định hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động y tế. Thực hiện khảo sát đánh giá chất lượng môi trường đối với các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh nhằm đề xuất các phương án xử lý.
Tổ chức triển khai tập huấn công tác thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đối với các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu xã điểm năm 2023 được 11 lớp cho 17 xã với tổng số 1.260 học viên tham gia. Tiếp tục thực hiện mô hình “Trường học - Công viên” trong các trường học. Tuyên truyền, giới thiệu và khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi ni lông sinh học được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ (bột bắp, bột mì), túi mây, túi cói, túi giấy. Phối hợp với công ty môi trường, đơn vị thu gom rác trong việc hướng dẫn phân loại rác đầu nguồn, thu gom rác và tái chế. Chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong học sinh, sinh viên về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường, hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
Qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngày càng có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như. Môi trường đô thị, vùng nông thôn và khu dân cư tập trung từng bước được cải thiện, đáp ứng yêu cầu cuộc sống người dân trong tỉnh. Các nội dung, nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hiện đã đi vào chiều sâu từ công tác triển khai, thực hiện phòng ngừa, bảo vệ đến việc xử lý khắc phục ô nhiễm, giải quyết cơ bản được các điểm bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường vẫn còn những hạn chế nhất định: Ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư chưa cao; nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm môi trường đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương chưa đầy đủ; nguồn ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu; Nhân dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ môi trường; nhiều chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi trong nhân dân…
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các phương tiện thông tin và truyền thông cũng như hoạt động giáo dục pháp luật về môi trường. Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải. Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn. Phát triển các phong trào quần chúng, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường gắn với việc tuyên truyền, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường./.
Hoàng Phương