Sign In

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

21:10 07/05/2024

Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 23/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường và giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng việc xã hội hóa các lĩnh vực của các cấp, các ngành và người dân có sự chuyển biến tích cực; các nguồn lực trong xã hội đã được huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

1

Giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Tô Hiệu, huyện Bình Gia chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh trước khi vào năm học (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh đã huy động được sự đóng góp, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân hiến đất xây dựng trường học, ủng hộ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ học tập... Công tác giáo dục nghề nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động có nhiều chuyển biến, hình thức đào tạo nghề được mở rộng, đa dạng, đã liên doanh, liên kết với các đơn vị ngoài tỉnh, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm sau cao hơn năm trước, từ 39% năm 2013 lên 62% năm 2023.

Mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập được đầu tư mở rộng, phong phú, đa dạng, năm 2023 có 804 cơ sở y dược ngoài công lập, tăng 519 cơ sở so với năm 2013; các cơ sở y tế được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đã thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia với nhiều hình thức đa dạng, phong phú (huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp được 57,22 tỷ đồng, 34.570 ngày công và hiến 8,1 ha đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ...). Công tác xã hội hóa về môi trường được triển khai tích cực, hiệu quả thiết thực (từ năm 2013 đến nay đã có 07 dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh với diện tích sử dụng đất hơn 20,1 ha với tổng mức đầu tư khoảng 303,6 tỷ đồng). Hoạt động giám định tư pháp cơ bản đáp ứng được nhu cầu giám định tư pháp của các cơ quan tố tụng và Nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác xã hội hóa các lĩnh vực còn một số hạn chế: Số lượng, quy mô các cơ sở thực hiện xã hội hóa còn nhỏ, không đồng đều giữa các địa bàn. Tại một số địa phương, đơn vị, các phương thức, hình thức vận động, huy động xã hội hóa bằng các quỹ đóng góp chưa phù hợp, huy động quá mức hoặc cào bằng, chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội; việc sử dụng, quản lý các nguồn lực xã hội hóa tại một số nơi chưa chặt chẽ, minh bạch, gây dư luận trái chiều.

Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân về xã hội hóa chưa đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xã hội hóa chưa đầy đủ, kịp thời, chưa phát hiện những khó khăn, vướng mắc về xã hội hóa. Bên cạnh đó, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn, chưa được đầu tư đồng bộ; mức sống và thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội hóa còn hạn chế... nên ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp; gắn công tác xã hội hóa với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa trên địa bàn.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác xã hội hóa; vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa các lĩnh vực tại địa phương mình; phát động các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tiên tiến trong tổ chức thực hiện; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xã hội hóa.

Ba là, các cấp chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp và các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện xã hội hóa trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung triển khai thực hiện, với nội dung từng lĩnh vực như sau:

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp: Khuyến khích, huy động thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở có chất lượng cao, quy mô lớn tại các đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục - đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập, học nghề của học sinh, sinh viên, đặc biệt là các nghề trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn và một số các nghề mới có nhu cầu lớn trong thời gian tới. Đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện xã hội hóa đối với cấp học mầm non, tiểu học tại những nơi có điều kiện. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Lĩnh vực y tế: Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, thành lập các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện tư nhân với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được hưởng thụ chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, mô hình thu hút đầu tư (liên doanh, liên kết, thuê, cho thuê tài sản, thuê, mượn trang thiết bị y tế, hệ thống xử lý chất thải y tế…) trong việc huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, bổ sung trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế trong các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nhằm phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện công lập. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người dân; huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở, trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao: Tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tăng cường xã hội hóa trong việc vận động, khuyến khích Nhân dân chủ động tham gia, tự nguyện gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc, nét đặc sắc văn hóa các dân tộc, giữ gìn giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, truyền thống lịch sử cách mạng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh các dịch vụ văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn; tổ chức các giải thể thao, sự kiện văn hóa; thành lập các liên đoàn thể thao theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Lĩnh vực môi trường: Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của tỉnh về khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tích cực trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế các loại rác thải trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư bằng các hình thức và công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, sớm chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp như hiện nay.

Lĩnh vực giám định tư pháp: Khuyến khích, huy động, thu hút các cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định pháp luật tham gia xã hội hóa vào hoạt động giám định tư pháp; từng bước tập trung đầu tư cho các tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực có nhu cầu giám định lớn như kỹ thuật hình sự, pháp y, tài chính, xây dựng, cổ vật, di sản, quyền tác giả… nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và nhu cầu giám định theo vụ việc của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về xã hội hóa. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới theo thẩm quyền, phù hợp với tình hình hình thực tế của tỉnh để hỗ trợ, thu hút các tổ chức, đơn vị, người dân tham gia thực hiện xã hội trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp. Quy định rõ, cụ thể trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý chặt chẽ, minh bạch, sử dụng hiệu quả các nguồn xã hội hóa để bảo đảm công khai và tạo niềm tin, thu hút các hoạt động xã hội hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện xã hội hóa, các sản phẩm dịch vụ xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.

Vương Hoà

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều