Sign In

Đẩy mạnh việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các sở giáo dục nghề nghiệp ở Lào Cai

22:00 29/08/2023
CTTĐT - Việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng; từ đó, nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng, biết phê phán, đấu tranh với các biểu hiện và hành vi tham nhũng, hình thành lối sống trung thực, trong sáng, dám nghĩ, dám làm, trở thành những công dân có nhân cách tốt.

anh tin bai

Quang cảnh Sinh hoạt chính trị và định hướng học tập đầu khóa đối với học sinh, sinh viên năm học 2023-2024 tại Trường Cao đẳng Lào Cai

Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh, ngay sau khi Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Sở Lao động – TBXH đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch để triển khai việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại GDNN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên cơ sở các kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Lao động – TBXH tỉnh đã ban hành trên 30 văn bản triển khai, tổng hợp báo cáo; tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nội dung thông báo tới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức như tại các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn hè, các hội nghị sơ kết, tổng kết chuyên môn hằng năm...

Thực tế cho thấy, các cấp ủy, chi ủy, lãnh đạo các cơ sở GDNN (khối các trường cao đẳng, trung cấp nghề) trong tỉnh hằng năm đều ban hành kế hoạch, nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, học sinh, sinh viên trong các trường học qua các cuộc họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, các buổi sinh hoạt của Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...

Đồng chí Đinh Văn Thơ – Phó giám đốc Sở Lao động –TBXH tỉnh cho biết, để đảm bảo tài liệu giảng dạy, Sở Lao động – TBXH đã chỉ đạo các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình thực tế của đơn vị để thực hiện nghiêm túc, bố trí giảng dạy đúng, đủ thời lượng trong môn học Pháp luật. Việc giảng dạy môn Pháp luật của nhà giáo chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thuyết trình kết hợp phương pháp làm việc nhóm, kết hợp với sử dụng tình huống điển hình, phát vấn, nêu vấn đề cho học sinh.

Xác định hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho nhà giáo là vô cùng quan trọng và cần thiết, thời gian qua Sở Lao động – TBXH tỉnh đã thông qua một số lớp bồi dưỡng chuyên môn hè cũng đưa một số nội dung, chuyên đề về phòng chống tham nhũng để giáo viên trao đổi, cập nhật; chỉ đạo các cơ sở GDNN luôn tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, từ đó đảm bảo hiệu quả của công tác giảng dạy học sinh sinh viên trong toàn trường.

Thực tế cho thấy, giai đoạn 2013 – 2018,  Lào Cai có 02 trường Cao đẳng, 02 trường trung cấp; trong đó, Trường Cao đẳng Lào Cai (trước đây à Trường Cao đẳng nghề Lào Cai), Trường Trung cấp nghề Công ty Apatite Việt Nam tổ chức giảng dạy môn Pháp luật theo Thông tư số 08/2014/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Ban hành chương trình, giáo trình môn học Pháp luật dùng trong đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề; Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trường trung học Y tế Lào Cai tổ chức giảng dạy môn Pháp luật theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, từ năm 2019, Lào Cai sáp nhập 03 trường: Trường cao đẳng Lào Cai, Trường cao đẳng Cộng đồng và Trường trung học Y tế Lào Cai thành Trường Cao đẳng Lào Cai thực hiện giảng dạy môn Pháp luật theo Thông tư số 13/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Ban hành chương trình môn học Pháp luật thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai – Trần Xuân Trường, trong năm 2020, Bộ môn Pháp luật thuộc Khoa Khoa học Cơ bản – Pháp lý – Hành chính của Trường cao đẳng Lào Cai đã biên soạn 02 giáo trình môn Pháp luật nội bộ; trong đó, cả hệ đào tạo trung cấp và cao đẳng đều có 02 giờ về nội dung phòng, chống tham nhũng theo đúng quy định tại Thông tư 13/2018/TT-BLĐTBXH. Năm 2021, bộ môn Pháp luật thuộc Khoa Khoa Khoa học Cơ bản – Pháp lý – Hành chính của Trường Cao đẳng Lào Cai đã biên soạn 02 ngân hàng đề trắc nghiệm môn Pháp luật. Ngân hàng đề hệ cao đẳng có 25/200 câu hỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng; hệ trung cấp có 12/100 câu hỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, việc lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình “Sinh hoạt chính trị và định hướng học tập đầu khóa đối với học sinh, sinh viên” bằng việc tuyên truyền và vận động học sinh sinh viên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”…

Còn tại Trường Trung cấp nghề Công ty Apatite việt Nam, nhà trường đã tích hợp và lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng vào môn học Pháp luật đại cương do khoa bộ môn chung của Nhà trường đảm nhiệm xây dựng chương trình, tài liệu và giảng dạy bắt đầu từ năm học 2013-2014; đồng thời Nhà trường đã ban hành quyết định lựa chọn chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng trong chương trình đào tạo hệ trung cấp nghề tại nhà trường.

Cùng với công tác giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng cho học sinh sinh viên trong các cơ sở GDNN thì công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học được thực hiện thông qua bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ và bài thi kết thúc học phần với hình thức thi tự luận, từ năm học 2021-2022 đến nay thực hiện thi trắc nghiệm trên máy tính kết hợp với đánh giá mức độ rèn luyện qua hành vi chấp hành nội quy Nhà trường và pháp luật Nhà nước.

Cho đến nay, công tác giảng dạy giáo dục chính trị, pháp luật nói chung và nội dung phòng, chống tham nhũng nói riêng đã được UBND tỉnh, các sở ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện; các cơ sở GDNN ở Lào Cai đã tổ chức triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung môn học đã thực hiện đúng quy định của Bộ Lao động - TBXH, các nội dung vềphòng chống tham nhũng, đã được linh hoạt lồng ghép vào chương trình giảng dạy. Thông qua đó nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng của học học sinh, sinh viên được nâng lên.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay là việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở GDNN cấp huyện (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên) gặp nhiều khó khăn, nhất là việc bố trí thời gian giảng dạy nội dung này vào chương trình học chính khóa, bởi các cơ sở GDNN cấp huyện đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên nên không có giảng dạy các bộ môn chung; đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chưa được tập huấn nghiệp vụ, kiến thức về phòng, chống tham nhũng; vẫn còn thiếu tài liệu phục vụ giảng dạy.

Bên cạnh đó, do trình độ nhận thức của học sinh trung cấp còn nhiều hạn chế nên năng lực khai thác tài liệu môn học chưa được cao, một số ít người học còn có thái độ coi nhẹ môn học, thường chỉ coi trọng các môn chuyên ngành. Hơn nữa hoạt động ngoại khóa dành cho môn học Pháp luật chưa nhiều, chưa đa dạng hình thức.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Đinh Văn Thơ, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; thời gian tới các cơ sở GDNN, nhất là các cấp huyện cần tiếp tục thực hiện tốt hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho các nhà giáo giảng dạy môn pháp luật, kiến thức pháp luật nói chung và nội dung phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đồng thời, tích cực đưa nội dung giảng dạy pháp luật trong đó có nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình học chính khóa không chỉ tại các cơ sở GDNN cấp tỉnh mà cả tai các cơ sở GDNN cấp huyện; tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn pháp luật theo quan điểm lấy người học làm trung tâm; gắn lý luận với thực tiễn sinh động dễ tiếp thu, dễ nhớ và dễ vận dụng vào cuộc sống.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong phòng, chống tham nhũng với hình thức sinh động, lôi cuốn, thu hút được sự quan tâm của các em bằng các hoạt động ngoại khóa cho người học như: tổ chức nghe thời sự pháp luật; trực tiếp tham gia các phiên tòa; tham gia tuyên truyền pháp luật; tổ chức cho các em xem tin tức có liên quan đến nội dung pháp luật, khuyến khích các em tự tổ chức đóng kịch về nội dung pháp luật, tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện ghi danh, khen thưởng kịp thời những học sinh, sinh viên điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; tăng cường giáo dục người học ý thức tiết kiệm của cải, lao động và quản lý quỹ thời gian cá nhân hợp lý.

Việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ không những nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà còn phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, tạo phong trào sâu rộng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa phòng, chống tham nhũng./.

Hồng Minh

Tag:

File đính kèm