Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021 để hỗ trợ máy tính bảng phục vụ học trực tuyến cho học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố, mẹ bị tử vong do dịch bệnh Covid-19. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn I huy động 1 triệu máy tính bảng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương đang bị giãn cách do dịch bệnh Covid-19; giai đoạn II, từ năm 2022 - 2023, tiếp tục phát động để 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị máy tính học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân bổ được 92.629 máy tính bảng từ nguồn hỗ trợ của các dang nghiệp viễn thông cho học sinh của 24 tỉnh, thành phố; tiếp nhận và phân bổ tiền cho 17 tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh, số tiền 513 tỷ đồng, dự kiến mua 205.200 máy tính bảng; đã hoàn thành mua sắm và bàn giao cho học sinh 158.688 máy; số tiền chưa thực hiện mua sắm 90.000 triệu đồng, số tiền dư do tiết kiệm thông qua đấu thầu của các địa phương hoàn thành mua sắm 28.396 triệu đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai hạ tầng để cung cấp dịch vụ viễn thông di động, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ viễn thông phổ cập, đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến. Trong giai đoạn I, phủ sóng được 2.164/2.418 thôn, còn 254 thôn chưa phủ sóng. Năm 2023, có 1.923 số thôn lõm sóng phát sinh. 1.427 thôn và 69 thôn trong danh sách giai đoạn I đã được phủ sóng, đến nay còn 620 thôn, chiếm 0.63% số thôn toàn quốc.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai chương trình; đồng thời, đưa ra các giải pháp thực hiện chương trình trong thời gian tới.
Tại tỉnh Lào Cai, Tỉnh đã triển khai chương trình thiết thực, kịp thời, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; huy động nguồn lực tổng thể của các cơ quan, đoàn thể cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh toàn tỉnh nhằm đảm bảo các điều kiện về học tập; Kết nối và điều phối nguồn lực tới các cơ sở giáo dục để hỗ trợ thiết bị phục vụ công tác dạy và học; Các thiết bị, dịch vụ hỗ trợ đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả hỗ trợ học tập cho học sinh.
Đến nay, tổng số học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến trên địa bàn 29.983 học sinh. Số tiền mặt huy động được 4.910 triệu đồng, UBND tỉnh đã giao dự toán chi tiết cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện mua sắm thiết bị cấp cho học sinh khai thác sử dụng. Số hiện vật huy động được 887 thiết bị (Máy tính bảng 70 chiếc; Laptop 80 chiếc; Smats Phone 370 chiếc; máy vi tính 367 bộ) thiết bị đã được bàn giao chi tiết đến đối tượng sử dụng. Có 610/610 cơ sở giáo dục có kết nối internet.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và địa phương. Thứ trưởng đề nghị giai đoạn II, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình; Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí cho chương trình; Quan tâm vận động các em học sinh sử dụng máy tính hiệu quả; chú ý đến chất lượng, cấu hình máy tính bảng để đảm bảo khi trao cho học sinh sử dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát phủ sóng rộng khắp để học sinh trên mọi miền đất nước đều sử dụng máy tính truy cập phục vụ học tập.
Thảo Châu