Trong hơn 10 năm qua kể từ khi xã được công nhận chuẩn quốc gia về nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Hải đã nỗ lực không ngừng, với khát vọng trở thành xã “đạt danh hiệu chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, những chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, nhất là các mô hình trồng rau, quả sạch được bà con đồng thuận chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau, quả góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân từng ngày một. Vì thế ngày 02/12/2023 xã Sơn Hải được đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025.
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận chuẩn NTMNC cho cán bộ xã Sơn Hải
Có được kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ vào sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân toàn xã. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Quang Uyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải nói: “từ khi hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, chính quyền địa phương và người dân Sơn Hải đã nỗ lực bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao với việc áp dụng Bộ tiêu chí mới khắt khe hơn. Khi đó, Ban chỉ đạo xã không khỏi lo âu. Tuy nhiên, Sơn Hải vẫn xác định, càng khó càng phải làm”. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành có liên quan, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng thường xuyên xát sao, tập trung hỗ trợ các nguồn lực cho xã, đặc biệt là các thành viên trong Ban chỉ đạo, các Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ đã ngày đêm nghiên cứu, tham khảo từ các địa phương khác, tâm huyết trong tuyên truyền, vận động để toàn dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới, đồng thời nhất quán theo phương châm chỗ nào dễ làm trước, chỗ khó làm sau, thực hiện một cách dân chủ, mọi việc đều được bàn bạc với nhân dân, khi đồng thuận thì chính người dân là chủ thể giám sát đắc lực, vì thế đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong nhân dân.
Những con đường bê tông mới được hình thành.
Những người đi đầu trong phong trào phải kể đến ông Nguyễn Tiến Toán, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã đã hiến 2.000m2 đất rừng và đất vườn của gia đình để mở rộng tuyến đường thôn Cánh Địa. Bà Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Chi Bộ thôn Soi Chát, 21 Bí thư Chi bộ, trưởng thôn và gần 20 cán bộ xã đi đầu làm gương hiến đất. Nhờ đó con đường liên thôn được mở rộng từ 4m lên 7m hoàn thành nhanh chóng. Cách tuyên truyền bằng hành động đã thu phục được lòng dân, khiến bà con đồng thuận. Toàn xã đã đóng góp hơn 80.000m2 đất, đóng góp trên 2.200 ngày công lao động và nhiều tài sản, vật kiến trúc giá trị trên 11 tỷ đồng. Thực hiện bê tông xi măng 12,4 km đường trục thôn, liên thôn; bê tông xi măng và rải cấp phối 3km đường nội đồng; 100% kênh mương được kiên cố hóa; 7/7 thôn có hệ thống điện lưới quốc gia, có đường điện thắp sáng; là xã đầu tiên của huyện Bảo Thắng có Công viên văn hoá, thể thao…
Đến nay, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao được nâng lên; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của người dân trong xây dựng nông thôn mới. An ninh trật tự được đảm bảo, có mô hình tự quản, mô hình “thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”; mô hình “khu dân cư tụ quản về phòng cháy chữa cháy”; mô hình camera an ninh...
Thành quả mà Sơn Hải có được hôm nay đã khiến cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị và người dân hiểu được bản chất của xây dựng nông thôn mới nâng cao, thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới mới với tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đồng bộ theo quy hoạch. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy hiệu quả bởi công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu. Cán bộ đã thực hiện bằng hành động thực tế, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Một mùa xuân mới đang về rất sớm ở nơi đây.
Dẫn nước sạch về bản làng.
Bây giờ ở Sơn Hải, người dân tự nguyện đóng tiền thu gom rác thải. Việc phân loại rác vô cơ, hữu cơ và cách xử lý từng loại cũng được người dân chấp hành khá tốt. Việc sử dụng nước sạch, lắp đường ống dẫn cũng được bà con chủ động thực hiện. Người dân đã thực sự thay đổi từ trong nếp nghĩ đến việc làm và hành động.
Đứng trên con đường bê tông nội đồng tít tắp, tôi phóng tầm mắt chiêm ngưỡng màu xanh mơn mởn của rau vụ đông. Trên cánh đồng, bà con đang nhộn nhịp thu hái, tíu tít chuyển rau màu vụ đông lên những chiếc xe tải chờ sẵn ngay cạnh ruộng... mà thấy mùa Xuân như đã về.
Thanh Hà – Trường Chính trị tỉnh Lào Cai