Sign In

Hỗ trợ thanh niên Lào Cai khởi nghiệp thành công

16:20 24/09/2024
CTTĐT - Khởi nghiệp là chủ trương và định hướng được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện, đặc biệt là khởi nghiệp trong thanh niên. Thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ và sôi động trong thế hệ thanh niên và doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

anh tin bai

Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Giàng Thị Mai, để tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp; đồng thời phát huy vai trò của ĐVTN trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, có chiều sâu, thời gian qua UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo triển khai chương trình thanh niên khởi nghiệp gắn với Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên hằng năm; kế hoạch tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2020-2025; kế hoạch xây dựng nông thôn mới; chương trình đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp.

Theo đó, việc hỗ trợ thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp tập trung vào việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về khởi nghiệp, tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên thông qua các cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua các câu lạc bộ khởi nghiệp; xây dựng chương trình hỗ trợ vay vốn cho thanh niên khởi nghiệp, chính sách khởi nghiệp đối với thanh niên; tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025.

Các tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, phối hợp với các cấp, ngành, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất giúp ĐVTN phát triển kinh tế. Cùng với đó, các tổ chức Đoàn còn phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho ĐVTN và nhân dân.

Thực tế cho thấy hiện nay, Lào Cai đang thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng thông qua nguồn vốn vay quỹ quốc gia về việc làm do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND tỉnh quản lý, do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác từ các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và nguồn vốn họp pháp khác.

Đặc biệt, giai đoạn 2021-2024, Lào Cai đã tổ chức thành công cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia với các dự án thuộc nhiều lĩnh vực như Nông - Lâm nghiệp, du lịch, kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại ngữ và đạt được kết quả cao.

Đồng thời, Lào Cai đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các mô hình, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc tư vấn, tập huấn cho các chủ mô hình, dự án nâng cao năng lực trong kinh doanh, hỗ trợ kết nối các dự án, mô hình khởi nghiệp với các nhà đầu tư trên địa bàn. Nhờ đó, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 4 dự án được lựa chọn vào vòng chung kếtCuộc thi “Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn tổ chức.

Thông qua việc duy trì hiệu quả đội tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức các hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên và Nhân dân ứng dụng kỹ thuật mới trong nông, lâm, ngư nghiệp đã góp phần đẩy mạnh hoạt động của 94 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện/xã, duy trì có hiệu quả 581 tổ hợp tác thanh niên (bao gồm 522 tổ tiết kiện và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội), 16 hợp tác xã thanh niên; xây dựng 439 mô hình thanh niên phát triển kinh tế có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, đã góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho ĐVTN trong tỉnh.

Thành công từ khởi nghiệp

Với mô hình nuôi cá tầm nước lạnh của đoàn viên Lý Láo Tả, thông Trung Chải, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh) đã cho thấy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chàng trai người dân tộc Dao. Đoàn viên Lý Láo Tả cho biết: Để hiện thực hóa ý tưởng nuôi cá nước lạnh trên chính mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng ưu đãi của thiên nhiên ban cho, anh đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát để đầu tư xây 3 bể nuôi cá, với tổng diện tích hơn 200 m2 và mua 3.000 con cá tầm, cá hồi về nuôi. Được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc nuôi cá nước lạnh và sự học hỏi chăm chỉ của bản thân, chỉ sau hơn 1 năm, anh đã xuất bán được khoảng 4 tấn cá tầm, cá hồi, sau khi trừ chi phí lãi 560 triệu đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, đoàn viên Lý Láo Tả đã xuất bán trên 3 tấn cá hồi, cá tầm, giá cao hơn so với các năm trước, thu về trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, để quảng bá thương hiệu cá nước lạnh của gia đình đến người tiêu dùng, Lý Láo Tả đã ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá cho sản phẩm cá nước lạnh của gia đình trên các trang mạng xã hội (zalo, Facebook); qua đó đã có nhiều khách hàng đặt hàng và thu mua, đảm bảo nguồn cung đầu ra cho sản phẩm của gia đình. Bằng những nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, anh Lý Láo Tả đã tham gia mô hình nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực dược liệu phải kể đến “Dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây Đại Bi” của đoàn viên An Văn Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, anh An Văn Tuấn đã trở về quê hương bởi anh hiểu rõ tầm quan trọng của rừng và đa dạng sinh học. Giữa lúc băn khoăn tìm con đường lập nghiệp anh biết tỉnh có chủ trương, chính sách “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi, tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Chàng kỹ sư trẻ đã tập hợp 6 ĐVTN Chi đoàn thôn Ken 1 mạnh dạn vay vốn, thành lập Hợp tác xã Thế Tuấn do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để thu gom cây dược liệu tự nhiên sẵn có trên địa bàn cho việc sản xuất, kinh doanh tinh dầu. Cuối năm 2019, Hợp tác xã gây dựng xong nhà xưởng, lò đốt và nồi ép để chưng cất tinh dầu. Đầu năm 2020, Hợp tác xã cho ra mắt 3 sản phẩm chính là tinh dầu sả Java, tinh dầu Đại Bi và tinh dầu Màng Tang, canh tác hoàn toàn theo phương thức hữu cơ với sản lượng trên 10.000 lít tinh dầu/tháng, thu lãi hàng tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương. Trong đó, tinh dầu Đại Bi là sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã với nhiều công dụng y học mà chưa có cơ sở tinh dầu nào của Việt Nam chưng cất; đây là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao nhất bởi những lợi ích đặc biệt mà nó mang lại bởi có nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như: Vitamin c, protit, lipit, sắt, canxi...

Với những thành công bước đầu trong việc hỗ trợ thanh niên Lào Cai khởi nghiệp, Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Giàng Thị Mai cũng cho biết: thời gian tới Tỉnh đoàn tiếp tục đề xuất với cấp ủy, chính quyền để ĐVTN tiếp cận với những chính sách của tỉnh, Trung ương, hỗ trợ phát triển kinh tế. Đồng thời, kết nối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên như: nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách, nguồn vốn của Trung ương Đoàn và nguồn vốn từ Quỹ giải quyết việc làm của Trung ương. Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh sẽ đồng hành với thanh niên trong việc phát triển sản phẩm cũng như quảng bá giới thiệu sản phẩm trên những ứng dụng nền tảng số và những sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ cho thanh niên trong việc tiếp cận với chuyển đổi số để quảng bá những sản phẩm của thanh niên cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, đây là cơ hội, để thời gian tới nhiều ĐVTN trong tỉnh vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương, đóng góp công sức vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Hồng Minh

Tag:

File đính kèm