Tích cực vào cuộc
Trong những năm gần đây, loại tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em đã có chiều hướng phức tạp, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt, thời gian qua với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 các đối tượng đã lợi dụng triệt để khoa học công nghệ, mạng internet để thay đổi phương thức, thủ đoạn, gia tăng hoạt động phạm tội.
Thời gian qua, để hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người một cách hiệu quả; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật phòng, chống mua bán người, chế độ hỗ trợ nạn nhân trở về đều được Đảng ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, triển khai kịp thời. Nội dung, hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực như trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo hình, báo viết, loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và trường học…
Ngày 30/7 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người bắt đầu từ năm 2013. Tại Việt Nam, từ năm 2016, đã lấy ngày 30/7 hằng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Tuyên truyền cho trẻ em các kỹ năng bảo vệ bản thân tại chợ phiên Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tháng 7/2023
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; thời gian qua, ngành Lao động – TBXH đã tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh. Cùng với đó là các hình thức truyền thông phong phú và đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về phòng, chống mua bán người phát trên loa phát thanh 13 xã biên giới; tổ chức hàng trăm buổi truyền thông tại các phiên chợ, trường học, địa bàn biên giới thu hút gần 31.000 người tham dự. Cấp phát tờ rơi “Chung tay ngăn chặn nạn mua bán người”, “Sổ tay di cư an toàn” cho học sinh, sinh viên và nhân dân tại các xã có nguy cơ cao về nạn mua bán người…;
Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân, Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Trưởng Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội - Sở Lao động –TBXH tỉnh cũng cho biết: trong giai đoạn 2021-2023, Sở đã tổ chức 8 lớp tập huấn công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho trên 400 cán bộ cơ sở; tổ chức 03 buổi tập huấn kiến thức về phòng chống mua bán người cho 148 sinh viên trường Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thành phố. Qua đó cung cấp những thông tin về di cư, đi lao động an toàn và các kỹ năng phòng tránh bị lừa bán cho các sinh viên chuẩn bị ra trường, đi làm việc xa nhà.
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp với Báo Lào Cai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình và các trang báo mạng. Kết quả, đã phát sóng hơn 30 chương trình “An ninh Lào Cai”, “Quốc phòng toàn dân”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới” và trên 300 tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người…
Cán bộ BQL “Dự án hỗ trợ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” tuyên truyền cho người dân tại chợ Bắc Hà, tháng 7/2023.
Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Ban quản lý “Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” - Giám đốc Nhà nhân ái Lào Cai (đơn vị thuộc Sở Lao động –TBXH tỉnh) cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay đơn vị đã tổ chức thực hiện hơn 20 buổi truyền thông tại các phiên chợ vùng cao và trường học thuộc địa bàn các huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn… Các buổi truyền thông thu hút trên gần 5.000 người tham dự. Qua các buổi truyền thông, người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) cũng như học sinh đã được nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhận diện được nạn nhân cũng như kẻ mua bán người và có được những kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân bị mua bán.
Đặc biệt, hưởng ứng ngày phòng, chống mua bán người năm 2023, trong tháng 7/2023, Ban Quản lý "Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" đã phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng các địa phương tổ chức các buổi truyền thông vào các ngày chợ phiên thuộc 3 địa bàn trọng điểm, đó là chợ Sín Chéng, huyện Si Ma Cai; chợ Tả Gia Khâu huyện Mường Khương và chợ Bắc Hà, huyện Bắc Hà để tuyên truyền cho người dân về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đặc biệt là các thủ đoạn mới và mục đích của tội phạm mua bán người; nhấn mạnh hậu quả của nạn mua bán người và các cách phòng tránh; tuyên truyền lồng ghép thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, đường dây "nóng" tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các tờ rơi truyền thông về phòng, chống mua bán người.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, để hỗ trợ cộng đồng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2022-2023, các cấp hội đã phối hợp với tổ chức Samaritan's Purse Internationai Relief và huyện Si Ma Cai tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn cho gần 400 đại biểu tham dự với các hoạt động nhắn tin ủng hộ Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 – 2025; ký cam kết chung tay góp sức ngăn chặn nạn mua bán người; diễu hành trên các tuyến phố của thị trấn Si Ma Cai; tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và đi xa an toàn gắn với bản sắc văn hóa, phong tục địa phương.
Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt công tác xét xử đối với tội phạm mua bán người, đưa ra xét xử kịp thời, hiệu quả ngay sau khi thụ lý vụ án, việc giải quyết các vụ án mua bán người đều đạt tỷ lệ 100%, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh công tác xét xử, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ quyền của nạn nhân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người dưới 18 tuổi. Kết quả, từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai đã thụ lý, giải quyết sơ thẩm 12 vụ 28 bị cáo về nhóm tội mua bán người; trong đó, đã đưa ra xét xử 26 bị cáo là người dân tộc thiểu số, 04 bị cáo là nữ, 14 bị cáo có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.
Nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình
Khảo sát thực tế cho thấy, loại tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em với nhiều thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, thường nhắm vào những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế; phụ nữ ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa có trình độ nhận thức hạn chế, nhẹ dạ cả tin; thanh niên đua đòi thích ăn chơi, lười lao động… Chúng thường tiếp cận làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn giúp đỡ đưa đi tìm việc nhẹ, lương cao hoặc giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn để lừa gạt bán ra nước ngoài…
Tuyên truyền kiến thức phòng, chống mua bán người tại chợ phiên Pha Long, Mường Khương, tháng 7/2022.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động – TBXH Nguyễn Văn Sơn: Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm mua bán người, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Cần cảnh giác cao, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn, nhất là với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Với sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết cần biết từ chối. Cảnh giác trước những kẻ tuy mới quen trên mạng xã hội, mới xuất hiện ở địa phương, hay mới biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè nhưng đã tỏ ra vồ vập, săn đón, hào phóng, tốt bụng…
Thận trọng, tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bạn đều được hưởng quyền công dân, quyền con người, do vậy nếu bạn bị chính người thân trong gia đình gả bán, hãy liên lạc với công an, chính quyền, hội Phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ.
Khi cần giúp đỡ nhanh chóng để thoát khỏi kẻ mua bán người hoặc tố giác tội phạm mua bán người, bạn hãy gọi cho công an theo số điện thoại 113. Hoặc số đường dây nóng phòng chống mua bán người 111
Thường xuyên phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình họ tố giác tội phạm.
Chỉ khi ý thức cảnh giác của mỗi người dân được nâng lên thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng mới thực sự đạt kết quả. Từ đó sẽ không còn những câu chuyện buồn của những nạn nhân trong các vụ việc mua bán người, góp phần ổn đình tình hình an ninh, trật tự địa phương./.
Hồng Minh