Sign In

Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng, nâng cao chất lượng dân số

22:00 14/08/2023
CTTĐT - Mặc dù mức sinh chung của Lào Cai trong 3 năm gần đây liên tục giảm, hàng năm đều đạt kế hoạch và đạt mục tiêu về giảm tỷ suất sinh thô. Tuy nhiên, cần có những chính sách phù hợp để điều chỉnh mức sinh, giữ vững quy mô và cơ cấu dân số một cách hài hòa nhất.

Theo Sở Y tế tỉnh, thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, đối tượng đến năm 2030; Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai đã ban hành Chương trình số 10/CTr-UBND ngày 04/9/2020 về Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng, đối tượng của tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Theo đó, ngành Y tế, các địa phương và các đơn vị liên quan trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện; trong đó, tập trung triển khai thực hiện các chính sách của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng dân số, chính sách hỗ trợ công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi về công tác dân số - KHHGĐ với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục phù hợp trong tình hình mới, phù hợp cho từng khu vực, từng địa bàn, từng nhóm dân tộc khác nhau.

Đồng thời, tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc trong các buổi họp của UBND tỉnh, huyện, xã, các sở, ban, ngành, trong giao ban của các cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo thực hiện giảm sinh tại các huyện có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát và thị xã Sa Pa). Tại thành phố Lào Cai và các huyện vùng thấp (Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, tiếp thị xã hội cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, giáo dục và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đặc biệt nạn tảo hôn. Trong giai đoạn 2020-2023, đã xử phạt vi phạm hành chính 160 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 241 triệu đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 152/152 xã, phường, thị trấn có viên chức dân số; 1.518/1.560 thôn, bản có cộng tác viên dân số hoặc nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số, trình độ chuyên môn đã ổn định và được nâng cao; công tác tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động về dân số-KHHGĐ được mở rộng và đẩy mạnh, cung cấp dịch vụ lâm sàng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến trạm y tế xã/phường/thị trấn.

Sau 03 năm triển khai thực hiện (năm 2020 – 2023); Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 11,57‰ năm 2020 xuống còn 11,47‰ năm 2022; tỷ suất sinh thô giảm từ 16,74‰ năm 2020 xuống còn 13,38‰ năm 2022; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai được duy trì trên 70%.

anh tin bai

Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai chào đón em bé sinh vào thời khắc giao thừa Tết năm 2023.

Với kết quả đạt được trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh nêu trên đã cho thấy: nhận thức của toàn xã hội được nâng lên, quan niệm của người dân về hôn nhân, sinh đẻ đã có chuyển biến tích cực, mô hình gia đình ít con đã được đông đảo người dân hưởng ứng. Chính sách hỗ trợ công tác dân số-KHHGĐ được quan tâm chỉ đạo, là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số-KHHGĐ được hoàn thiện từ tỉnh xuống đến huyện, xã và thôn bản tổ dân phố.  Đặc biệt, việc mỗi gia đình sinh đủ 02 con đã được đa số người dân thực hiện; quy mô dân số dần ổn định, góp phần không nhỏ trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được cải thiện qua từng năm.

Tuy nhiên, với kết quả mức sinh chung của toàn tỉnh liên tục giảm, hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra và đạt mục tiêu về giảm tỷ suất sinh thô ở mức 0,3‰ - 0,4‰; Song, mức sinh của tỉnh Lào Cai vẫn còn cao so với toàn quốc. Cụ thể, năm 2022, tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,481 con/phụ nữ, trong khi đó toàn quốc là 2,013.

Nguyên nhân mức sinh cao so với toàn quốc và có sự chênh lệch đáng kể giữa các huyện trong tỉnh một phần do nhận thức của một bộ phần người dân về sinh đủ 2 con chưa đầy đủ, hiểu chưa đúng một số nội dung về Pháp lệnh Dân số và chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân số. Việc tuyên truyền vận động và tổ chức cung cấp cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến vùng khó khăn còn nhiều hạn chế, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa; tư tưởng muốn sinh con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người dân; công tác tuyên truyền, giáo dục về sinh đủ 2 con, gia đình hạnh phúc hiệu quả chưa cao ở một số nhóm đối tượng; chưa khai thác, phát huy được lợi thế của các loại hình truyền thông hiện đại…

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, với mức sinh cao tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân các địa phương vùng mức sinh cao so với vùng mức sinh thấp so với các khu vực khác. Ngược lại, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng và phát triển đất nước.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh, để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong xây dựng kế hoạch, chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với địa bàn các huyện, thành phố và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tiếp tục tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc tại các đơn vị, cơ sở.  Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tại thành phố Lào Cai và các huyện vùng thấp tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, tiếp thị xã hội cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục phù hợp trong tình hình mới, phù hợp cho từng khu vực, từng địa bàn, từng nhóm dân tộc có mức sinh khác nhau như: truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, Youtube; các cơ quan báo, đài và Cổng thông tin điện tử… Đồng thời, tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tổ chức cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ thân thiện cho vị thành niên, thanh niên; các hoạt động thúc đẩy tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bên cạnh đó; tiếp tục quan tâm, từng bước đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ phù hợp; tư vấn, kiểm tra sức khỏe, sàng lọc trước sinh và phát hiện sớm nhằm phòng, tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật ảnh hưởng đến việc suy giảm chất lượng nòi giống. Huy động và lồng ghép các nguồn lực như Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các nguồn lực của địa phương, hợp tác quốc tế để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với công tác dân số trong thời gian tới./.

Hồng Minh

Tag:

File đính kèm