Sign In

Hạ tầng số được phát triển nhanh phục vụ chuyển đổi số và dẫn dắt phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

12:10 15/09/2023
Phát triển hạ tầng số đáp ứng xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Long An. Nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G. Phổ cập Internet băng rộng như một dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới. Thúc đẩy chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông sang dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Trong thời gian qua, hạ tầng số trong cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. 100% sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính. 100% sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng. Triển khai mua sắm, từng bước thay thế máy tính cũ, cấu hình thấp chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai thử nghiệm 5G trên địa bàn tỉnh, lắp đặt và phát sóng thử nghiệm 05 trạm BTS 5G (Viettel) tại thành phố Tân An và các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 87% (tăng 12% so với năm 2021); tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 85% (tăng 18% so với năm 2021).

Khai trương 5G Viettel tại Long An

Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư bổ sung đáp ứng nhu cầu triển khai các hệ thống, nền tảng dùng chung của tỉnh, đảm bảo giải pháp an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Công tác quản trị vận hành, giám sát được quan tâm, đảm bảo các hệ thống thông tin hoạt động ổn định, thông suốt. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đáp ứng kết nối 2 chiều toàn tỉnh với công nghệ hiện đại, chất lượng hình ảnh đạt chuẩn HD (hỗ trợ tối đa 250 điểm cầu và 10 phòng họp đồng thời),15/15 huyện đã triển khai hội nghị trực tuyến 2 chiều đến cấp xã.

Với mục tiêu phát triển nhanh hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số và dẫn dắt phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng số được triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác. Phát triển hạ tầng số với chất lượng cao, băng thông rộng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định (FTTH) tới hộ gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học... Ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G/…) trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G) và thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh cho người dân.

Đồng thời, phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực có liên quan như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị; ứng dụng IoT vào quản lý, giải quyết các mục tiêu về phát triển và quản lý hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng đô thị). Đầu tư, xây dựng, phát triển, mở rộng hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) đối với toàn bộ hệ thống ứng dụng của tỉnh. Mở rộng vùng cung cấp dịch vụ viễn thông trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các phương thức cáp quang, di động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân. Triển khai các hoạt động thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025; hỗ trợ người dân tiếp cận nhanh với quá trình chuyển đổi số, khai thác hiệu quả các dịch vụ số.

Hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Mặt khác, khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng các nền tảng điện toán đám mây, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Nghiên cứu, ban hành các chính sách, tiêu chuẩn yêu cầu tích hợp, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng IoT trong việc phát triển các lĩnh vực của kinh tế số như thương mại điện tử; chăm sóc sức khỏe từ xa; công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chuyển đổi từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng cung cấp hạ tầng như dịch vụ. Triển khai các hạ tầng số phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số. Đầu tư, xây dựng, phát triển các nền tảng số cung cấp hạ tầng như dịch vụ phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số.

Song song đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số (AI, blockchain, IoT) trong các lĩnh vực dịch vụ công như: Nông nghiệp, giao thông, lưu trữ dữ liệu và quản trị số, hỗ trợ tính minh bạch, dịch vụ công trực tuyến... Tăng cường quản lý quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền công nghệ số có giá trị cao. Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác thiết lập một cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua nhóm bằng sáng chế công nghệ số, liên minh sở hữu trí tuệ công nghệ số và các mô hình khác.

Sử dụng các nền tảng số do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội bao gồm: Nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia, Nền tảng địa chỉ số, bản đồ số, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu, Nền tảng dạy học trực tuyến, Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS), Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, Nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ công chức và người dân. Phát triển các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số ngành của các ngành, lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Thúc đẩy phát triển các nền tảng số do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

          Nguyễn Tùng

Tag:

File đính kèm