Sign In

Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của huyện Tân Hưng

15:53 22/03/2024
Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, với những thành tựu trong thực hiện đường lối đổi mới và khai hóa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, huyện Tân Hưng ngày càng chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc khi không ngừng phát triển, vươn lên trở thành một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, phát triển theo hướng sinh thái và bền vững.

Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân và tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn

Tân Hưng là huyện vùng xâu, vùng xa về phía Tây, thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, trên cơ sở tách ra từ huyện Vĩnh Hưng theo Nghị định số 27-CP, ngày 24/3/1994 của Chính phủ. Trong những ngày đầu mới thành lập, Tân Hưng gặp vô vàn khó khăn, với xuất phát điểm rất thấp, có trên 50% diện tích đất bị nhiễm phèn, thường xuyên thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Là nơi lũ về sớm nhưng lại rút chậm; đã phải đương đầu, chống chọi với các cơn lũ lụt lớn năm 1994 - 1995, đặc biệt là cơn lũ lịch sử năm 2000, đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội của huyện vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Kinh tế của huyện chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp với chỉ 15.000 ha, chiếm 30% diện tích tự nhiên, chủ yếu canh tác được 01 vụ lúa, với sản lượng lúa khoảng 91.000 tấn; số diện tích còn lại là đất phèn, rừng tràm,… khó có thể chuyển sang canh tác lúa. Phương thức canh tác theo truyền thống, lạc hậu; trình độ dân trí thấp; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hầu như chưa có gì nổi bật;... chính vì vậy, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và khu vực biên giới phức tạp, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Tổ chức bộ máy mới thành lập, đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở còn thiếu và yếu.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Hưng đã phát huy truyền thống cách mạng “Trung dũng, kiên cường”, đoàn kết, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, khai thác tiềm năng, quyết tâm chinh phục hành trình đầy thách thức trước mắt. Nhờ những quyết sách đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, sự ủng hộ, chỉ đạo của Trung ương trong khai hóa vùng Đồng Tháp Mười; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo tỉnh; đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, mà các chủ trương, chính sách mang tính đột phá, chiến lược thông qua hàng loạt giải pháp được tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và gặt hái nhiều thành công, đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện nhà.

Qua 30 năm, huyện Tân Hưng đã từng bước tiến lên, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực, kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc quan trọng và phát triển theo hướng bền vững. Thành tích nổi bật của Tân Hưng là sự vươn lên mạnh mẽ trở thành huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh và có sự phát triển toàn diện. Hiện nay, Tân Hưng không còn là huyện nông nghiệp sản xuất theo hướng đơn thuần, mà đã và đang dần trở thành huyện nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa, gắn với đầu tư xây dựng vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Song song với phát triển nông nghiệp thì hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có sự phát triển tích cực; đến nay, đã có trên 200 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các ngành xay xát, chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, sửa chữa công cụ, đồ mộc, vật liệu xây dựng... Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển; hệ thống chợ được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu mua bán, giao thương hàng hóa phục vụ nhân dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông, thủy lợi được đầu tư từng bước hoàn thiện và phát triển rộng khắp, tăng tính liên kết vùng, đồng thời tô điểm cho vùng đất biên giới một sắc diện mới; đến nay, đê bao lửng đã khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 95% diện tích, xây dựng trạm bơm điện chiếm khoảng 40% diện tích canh tác, góp phần tăng diện tích đất nông nghiệp gấp 3 lần, đạt hơn 44.000 ha, chiếm hơn 88% diện tích tự nhiên, canh tác được 3 vụ lúa, với tổng sản lượng lúa trên 440.000 tấn (trong đó, lúa chất lượng cao trên 390.000 tấn); diện tích đất sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 27% và đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Qua đó, sản xuất nông nghiệp từng bước mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn, người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, hiệu quả và ứng dụng công nghệ cao từ Chương trình đột phá phát triển nông nghiệp của tỉnh, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,9% (trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch được 86,4%); tỷ lệ hộ sử dụng điện là 99,87%.

Các lĩnh văn hóa - xã hội có sự phát triển khá toàn diện. Cảnh quan, môi trường tại vùng nông thôn trở nên sáng, xanh, sạch và đẹp hơn với hiệu quả tích cực được mang lại từ việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (có 5/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, biên giới được giữ vững. Song song đó, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở hơn. Mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và doanh nghiệp luôn được đề cao, ngày càng tin tưởng, tạo được sự đồng thuận vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng huyện Tân Hưng ngày càng giàu đẹp hơn.

Những thành tích của huyện Tân Hưng, đã góp phần bồi đắp thêm lịch sử của vùng đất anh hùng trong kháng chiến và khai hóa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, qua đó được Trung ương xem xét, phong tặng Huân chương lao động hạng nhì. Đây là những đóng góp quan trọng, ý nghĩa vào thành tích chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An.

Quyết tâm xây dựng Tân Hưng phát triển bền vững theo định hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong thời gian tới, khó khăn, thử thách vẫn còn rất lớn, cho nên đây là thời điểm bền gan, vững chí, “Trung dũng kiên cường”, giữ vững niềm tin, ý chí, khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An. Đây chính là nguồn lực và sức mạnh, là yếu tố quyết định thắng lợi. Trước yêu cầu đó, đòi hỏi mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải quyết tâm chính trị thật cao, nỗ lực thật nhiều, trách nhiệm thật lớn và hành động thật quyết liệt đối với công việc chung của địa phương, đất nước; tiếp tục hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách về đổi mới tư duy, sửa đổi lối làm việc với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng đảng, hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Hưng cần quyết tâm, phấn đấu nhiều hơn nữa để đến năm 2030 trở thành huyện phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, môi trường sinh thái và bền vững. Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo “mỗi người dân Tân Hưng đều được hưởng thành quả phát triển”. Tăng cường quốc phòng - an ninh; tiếp tục gìn giữ, vun đắp và phát triển quan hệ đối ngoại, bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh và bình yên trên tuyến giới. Tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp thật sự “đoàn kết, năng động, sâu sát và thân thiện”, một bộ máy công quyền lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu vươn tới và là thước đo cho việc hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, phải phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, từ đất đai, sông ngòi, bản sắc văn hóa và truyền thống của địa phương; dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá. Tăng cường quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đặc biệt là Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch, dịch vụ. Các giải pháp đề ra phải được triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, vì mục tiêu để người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc và nghĩa tình. Cùng với sự phát triển chung của huyện, sẽ góp phần quan trọng, đắc lực vào tiến trình phát triển giàu đẹp của tỉnh nhà.

Với những thành tựu và bài học kinh nghiệm có được từ chặng đường 30 năm qua là nền tảng, là tiền đề quan trọng giúp huyện Tân Hưng tự tin vượt qua khó khăn, tạo bước đột phá, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển với những bản sắc, giá trị khác biệt. Chúng ta tin tưởng rằng, với khát vọng mãnh liệt, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết thống nhất, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Hưng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, “về đích sớm” trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần quan trọng tiếp tục đưa huyện Tân Hưng ngày càng phát triển và vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

 

Tag:

File đính kèm