Thời gian qua, Hội nông dân xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp, đặc biệt là mô hình thu gom rác thải nguy hại từ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã văn hóa – nông thôn mới. Theo đó, trên các tuyến đường bê tông nông thôn ở Tân Thành, khoảng 1km sẽ bố trí 1 thùng nhựa màu xanh (loại 125 lít) để chứa đựng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trong nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp. Sau khi thùng rác đầy, chính quyền địa phương sẽ liên hệ ngành chuyên môn đến thu gom và xử lý. ông Nguyễn Văn Khuyên chia sẻ: “Mô hình này triển khai trên địa bàn xã được 5 năm rồi, người dân rất đồng tình hưởng ứng. Từ khi triển khai mô hình, hội nông dân địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về vấn đề bảo vệ môi trường nên tình trạng vứt bừa bãi bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các kênh mương, bờ ruộng,…đã được cải thiện so với trước đây rất nhiều”.
Mô hình góp phần giảm tác động nguy hại từ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe nhà nông
Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 41 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, phòng chống biến đổi khí hậu cho trên 2.460 cán bộ Hội, hội viên, nông dân ở các địa phương; thành lập mới 2 câu lạc bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của 7 Câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường (mỗi câu lạc bộ đều xây dựng mô hình “Hộ nông dân xanh, sạch, đẹp và an toàn xây dựng nông thôn mới); triển khai thực hiện mô hình “tuyến đường xanh, dòng kênh sạch” (ra quân trồng hàng ngàn cây dầu, cây sao trên địa bàn các huyện Thủ Thừa, Châu Thành, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và thành phố Tân An).
Ngoài ra, Hội nông dân cũng đã triển khai xây dựng được 9 mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình. Đồng thời, trang bị gần 540 thùng ủ phân hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình (huyện Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và thành phố Tân An). Thông qua mô hình, người dân được trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, chất thải rắn và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn.
Ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ giúp giảm thiểu tối đa lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày
Qua những kết quả trên cho thấy, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tập trung phối hợp với các ngành triển khai thực hiện tốt. Từ đó, ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của hội viên nông dân được nâng lên. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã được cán bộ, hội viên, nông dân quan tâm, hưởng ứng tích cực. Thời gian tới, Hội nông dân tỉnh kiến nghị Trung ương cần có kế hoạch phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cho các địa phương với tỷ lệ tương xứng để giúp các địa phương xây dựng và triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến phù hợp tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hồng Lĩnh