Sign In

Một số bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận khóa XIII của Đảng

21:03 26/04/2023
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận khóa XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào các quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo ra sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được đề ra trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng khóa XIII trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả, với nhiều đổi mới về hình thức, phương pháp, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác này thời gian qua, tỉnh Long An rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cần phát huy vai trò của Bí thư cấp uỷ, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; tạo được sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy đảng cần xác định nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng. Thực tế cho thấy, địa phương nào các cấp ủy, tổ chức đảng có sự quan tâm, chỉ đạo,theo dõi chặt chẽ việc triển khai, quán triệt nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, sẽ tạo nên những chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hiệu quả công tác học tập, quán triệt.

Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thứ hai, ban Tuyên giáo các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò, chủ động tham mưu cho cấp ủy trong công tác triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, tránh tình trạng bị động, trông chờ. Trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt cần tính toán đến công tác chuẩn bị ở địa phương cơ sở, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng bị động, làm qua loa, chiếu lệ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả học tập, phổ biến, quán triệt.

Thứ ba, công tác xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng cần phải bám sát nội dung chỉ thị, nghị quyết, kết luận và thực tiễn của địa phương, tránh tình trạng sao chép rập khuôn từ cấp trên. Việc viết thu hoạch cá nhân cần gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, được giao của mỗi cá nhân.

Thứ tư, việc chuẩn bị tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ hội nghị học tập, quán triệt, lựa chọn và phân công báo cáo viên phụ trách triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng phải được xem là một trong những nhân tố góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác học tập, quán triệt. Công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng phải phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cơ sở.

Thứ năm, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên, các cơ quan báo chí, các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến những nội dung cốt lõi của các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân có điều kiện tiếp cận nghiên cứu, học tập nghị quyết thông qua nhiều hình thức, phương tiện, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Thứ sáu, việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả của việc học tập, quán triệt nghị quyết. Bởi vì, khi nhận thức việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tích cực, chủ động và tự giác trong học tập, tăng cường tìm tòi, trao đổi, thảo luận và tương tác với các học viên, báo cáo viên, đồng thời chủ động  khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các yêu cầu học tập, quán triệt.

Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết tại Sở Giáo dục và Đào tạo

Thứ bảy, để các nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, các cấp ủy, địa phương, đơn vị cần quan tâm, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận ở các địa phương sau khi đã tiến hành học tập, quán triệt.

                                                                                                                                                            Cẩm Loan

                                                                                                                                            Phòng TT, TT và LLCT, BTGTU                  

Tag:

File đính kèm