Người dân có quyền tin tưởng rằng các vị cán bộ lãnh đạo là những người liêm khiết, nhưng thực tế đã đem đến cho người dân không ít những hoài nghi về thời gian tồn tại sự liêm khiết đó. Chúng ta không thể thờ ơ, đánh giá thấp hoặc xem thường sự hoài nghi, nó đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước. Làm gì và làm như thế nào để đẩy lùi nạn tham nhũng dường như chúng ta đã nghe quá nhiều. Khi người dân lên tiếng, điều cần thiết không phải là lời đáp trả bằng những ngôn từ, hành động là trên hết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – “Người đốt lò vĩ đại” trong công cuộc phòng chống tham nhũng (Ảnh: Dangcongsan.vn)
Trong thời điểm hiện nay, cả hệ thống chính trị nước ta đang khẩn trương tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025; qua đó, sẽ có những đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và vai trò lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu địa phương, đất nước. Và cùng lúc cũng là thời điểm mà chúng ta tiếp tục có những đánh giá nghiêm túc về công tác phòng, chống tham nhũng gắn với kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn đảng, các quy định về tính nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Có lẽ phù hợp khi chúng ta nói đến nhận định của Ra-un Ca-xtơ-rô - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản CuBa “Cuộc cách mạng của những người nghèo, cho người nghèo và vì người nghèo từng khiến nhân dân chúng ta đã phải hy sinh biết bao xương máu, sẽ không còn tồn tại mà kẻ thù không cần phải tốn một phát đạn nào nếu như sự lãnh đạo một ngày nào đó rơi vào tay những cá nhân tham nhũng” và khẳng định của Trung tướng tình báo Nga Leonid Shebarshin “Thời tăm tối, chúa trừng phạt các dân tộc bằng nạn đói, bằng thiên tai dịch họa, bằng chiến tranh. Làm thế hơi bị tốn công. Dễ dàng hơn là cho các dân tộc đó những nhà lãnh đạo tồi”.
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kim chỉ nam định hướng trong công tác phòng, chống tham nhũng (Ảnh: tuyengiao.phuyen.gov.vn)
Lịch sử hơn 2000 năm của nước ta là lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ nhưng vô cùng kiên cường, bất khuất, “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”, cho đến thời gian gần đây nhất là sự đối đầu với hai cường quốc Pháp, Mỹ. “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”; và những anh hùng hào kiệt ấy được vinh danh khắp năm châu cùng với quân ta, dân ta khi làm nên những chiến thắng vang dội: Từ chiến thắng trên sông Bạch Đằng huyền thoại, 3 lần chống quân Mông – Nguyên, trận Ngọc Hồi – Đống Đa đại phá quân Thanh đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đại thắng mùa xuân năm 1975. Có những anh hùng hào kiệt đã trở thành người đứng đầu của non sông ta, tên tuổi được lưu danh ngàn đời như Trưng Trắc, Ngô Quyền, Quang Trung,… và thời đại ngày nay là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng ta kiêu hãnh ngẩng cao đầu trước sự thán phục của cả thế giới về khả năng chiến đấu thần kỳ, đánh bại những cường quốc bậc nhất các thời đại. Nhưng niềm tự hào, kiêu hãnh về sức mạnh chống giặc ngoại xâm trong quá khứ không đủ để chúng ta viết tiếp những trang sử vàng chói lọi khi mà cuộc đấu tranh chống lại nạn tham nhũng – mà Bác Hồ từng gọi là “giặc nội xâm” – tại một số địa phương của đất nước hiện tại vẫn chưa được thực thi một cách có kiểm soát và hiệu quả.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Long An được thành lập vào tháng 6/2022
Đại đa số người dân cũng rất bận tâm đến vấn nạn tham nhũng. Thường thì được xoay quanh câu chuyện ông giám đốc sở kia, ông chủ tịch huyện nọ với mức lương bổng như thế mà sao lắm tiền, nhiều của, ruộng vườn cò bay thẳng cánh,… người dân bất bình, đôi lúc phẫn nộ. Nếu làm một cuộc khảo sát, tin rằng, chúng ta sẽ nhận một kết quả khủng về sự sa sút lòng tin của nhân dân đối với người cán bộ lãnh đạo liêm khiết. Mất lòng tin nhưng người dân vẫn tràn đầy hy vọng, hy vọng vào công cuộc chỉnh đốn đảng và sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật; đặc biệt hiện nay là trước uy thế và quyết tâm của “Người đốt lò vĩ đại” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chiến dịch “đốt lò” không vùng cấm. Bởi vì, không một chế độ, một thời điểm nào mà trong đó lại không xuất hiện, tồn tại những khiếm khuyết, sai lầm, điều nghiêm trọng và đáng phê phán chính là không có dũng khí để đấu tranh, nhìn nhận những khiếm khuyết, sai lầm và quyết tâm trừng trị, sửa chữa.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh – Nguyễn Văn Được khẳng định, Long An luôn kiên quyết, kiên trì, hành động mạnh mẽ, triệt để và ngày càng hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng
Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp khác nhau, công tác phòng chống tham nhũng vẫn được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Dĩ nhiên, chúng ta không trông đợi vào một kết quả mà ở đó, có hàng ngàn, hàng trăm ngàn vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý, nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận nếu đó là một thực tế. Nhưng, có một thực tế mà chúng ta đều trăn trở, đó là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng càng quyết liệt thì phạm vi và mức độ tham nhũng ngày càng mở rộng, tinh vi hơn. Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, công tác phòng chống tham nhũng được đề cập rất nhiều trong các văn kiện và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Thật khó mà hình dung được điều gì rõ ràng, minh bạch nếu như chỉ trông chờ vào sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cao đẹp và những động thái “nương tay” của pháp luật. Đó chính là lý do tại sao ở Singapore, phải đến khi ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền năm 1959, với quyết tâm “đả đảo tham ô”, chống tham nhũng từ “nóc” bằng pháp luật và lấy màu trắng làm màu chủ đạo cho cờ Đảng, tượng trưng cho sự liêm khiết, trong sạch thì nạn tham nhũng mới dần bị triệt tiêu. Hay là kể đến “bàn tay sắt” chống tham nhũng của ông Chu Dung Cơ; khi mới nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc năm 1998, ông đã có một tuyên bố hùng hồn: “Tôi đã chuẩn bị 100 chiếc quan tài, 99 chiếc dành cho những kẻ tham nhũng, chỉ có chiếc cuối cùng là của tôi”. Và chỉ trong 5 năm ngay sau đó, ông đã để lại những chiến tích vang dội, có đến 43 tham quan cao cấp phải “ngã ngựa”. Tham nhũng dù xảy ra ở quốc gia nào cũng đều có bản chất giống nhau. Bản án cho những kẻ tham nhũng đều không hề nhẹ và được ghi rất rõ trong các Luật phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc thực hiện nó như thế nào còn tùy thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Tham nhũng phải luôn luôn được đặt trên cán cân pháp luật và pháp luật ấy được thực thi bởi những vị lãnh đạo thiết diện vô tư, biết lấy mình làm gương, thiết thực và nỗ lực hết sức mình
Tại tỉnh Long An, ngày 17/9/2023 tới đây là kỷ niệm 56 năm chúng ta được vinh dự phong tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Danh hiệu, tinh thần, khí phách ấy là sức mạnh nội lực to lớn, luôn hiện hữu với thời gian, với con đường tiến lên của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu tổng quát với thành tố đầu tiên là “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc;…”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An nguyện đồng lòng, chung sức, đoàn kết, gắn bó vượt qua khó khăn, thách thức và kiên quyết phòng, chống triệt để giặc nội xâm – “tham nhũng” trên phạm vi toàn tỉnh. Nhưng vấn đề quan trọng hơn hết - cũng chính là sự kỳ vọng to lớn của nhân dân, đó là vấn nạn tham nhũng phải luôn luôn được đặt trên cán cân pháp luật và pháp luật ấy được thực thi bởi những vị lãnh đạo thiết diện vô tư, biết lấy mình làm gương, thiết thực và nỗ lực hết sức mình, bất chấp nguy hiểm, đấu tranh quyết liệt và đến cùng. Phải làm cho những kẻ tham nhũng biết thế nào là thượng tôn pháp luật và uy thế của người đứng đầu.
An Bang (https://vptu.longan.dcs.vn)