Xuất phát từ tầm quan trọng đó, ngày 25/10/2021 thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) thay thế cho Quy định 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 về 19 Điều đảng viên không được làm với nhiều điểm mới, trong đó, Đảng ta đã bổ sung, làm rõ điểm mới quan trọng là chống bệnh quan liêu, xa rời quần chúng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tại Điều 3, Đảng chỉ rõ: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”, điều này cho thấy Đảng ta đã nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nhân dân và công tác dân vận, cũng như tác hại hết sức nguy hiểm của bệnh quan liêu, xa dân của cán bộ, đảng viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Nhiều lần Người đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là “tư tưởng mẹ” đẻ ra nhiều tư tưởng xấu, trái với đạo đức cách mạng và đạo đức công dân. Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu: chỉ đạo xa rời thực tế, xa quần chúng; áp dụng phương pháp mệnh lệnh hành chính; chỉ biết hô hào khẩu hiệu chỉ thị, xem báo cáo, làm việc qua loa; lời nói không đi đôi với việc làm; chủ quan, tự mãn, coi thường quần chúng… Cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu "Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Cán bộ, đảng viên đặc biệt là những người lãnh đạo nào mắc phải bệnh này thì "có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan liêu, xa rời, không yêu thương nhân dân tất yếu dẫn đến căn bệnh vô cảm, có thái độ thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân, thấy việc có lợi cho dân không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm "đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí"; là "nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí".
Chính vì tác hại to lớn của của bệnh quan liêu xa dân, vì thế, để chống lại căn bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: phải đồng tâm hiệp lực phải kiên trì, quyết tâm chống đến cùng, phải làm có tổ chức, làm từ trên xuống dưới. Người chủ trương và chỉ đạo thực hiện xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, hoạt động theo tinh thần “chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, phụng sự nhân dân”. Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống“bệnh quan liêu”, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 - khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Mới nhất, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Kết luận số 21 – KL/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về chống “bệnh quan liêu”, xa dân, thời gian vừa qua, trong cả nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên tận tụy với nhân dân, nhiều cách làm hay để gần dân, hiểu dân, phát huy sức mạnh từ nhân dân, nhất là trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu sẳn sàng xả thân vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điển hình, năm 2020 trong công tác phòng chống thiên tai sự hy sinh của 13 chiến sĩ ở thủy điện Rào Trăng 3; 22 chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh khi giúp dân phòng chống lũ lụt đã trở thành tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Trong công tác phòng chống dịch Covid – 19, nhất là trong đợt dịch lần thứ tư đã có gần 24 nghìn y bác sỹ, lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi. Thủ tướng Phạm Minh chính khẳng định: “Họ là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.…”. Qua đó, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên, từ tư duy “ban phát”, “ra lệnh” sang tư duy phục vụ là “đầy tớ của nhân dân”.
Tuy nhiên, trong thực tế, căn bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Có thể khẳng định, nguyên nhân của “bệnh quan liêu” thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng không thể không nhắc tới nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân; chưa giải quyết thấu đáo quan hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đáng nói là một số cán bộ, đảng viên thấy rõ sự nguy hại của căn bệnh đó, nhưng sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tự cho mình quyền... đứng trên nhân dân.Văn kiện Đại hội XIII đã nhận định: "...công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chưa nêu cao ý thức và trách nhiệm trước nhân dân".“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, bệnh quan liêu, xa dân biểu hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong những lĩnh vực “nhạy cảm” như đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư… dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, kiến nghị kéo dài ở một số địa phương. Đó còn biểu hiện ở thái độ thờ ơ, vô cảm, làm cho có; thậm chí đùn đẩy trách nhiệm; những kiến nghị đúng, phản ánh khách quan cố tình bị lờ đi... Hay như trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua không ít người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, cấp huyện và thậm chí là ở cấp Trung ương quan liêu, lơ là, thiếu sâu sát trong thực hiện nhiệm vụ, không nắm chắc chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; không nắm rõ tình hình dịch bệnh ở địa phương, vi phạm pháp luật … làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Vì vậy, để khắc phục căn bệnh này, cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, bám sát thực tiễn cơ quan, đơn vị; đánh giá, nhận định đúng tình hình để xác định rõ những vấn đề cần tập trung lãnh đạo; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Cùng với đó cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là học và làm theo phong cách làm việc gần dân, vì dân của Bác Hồ… Bởi thực tiễn đã chứng minh, ở đâu cán bộ, đảng viên, người đứng đầu thực sự gương mẫu, hết lòng vì dân thì được nhân dân tôn trọng, tin tưởng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường.
Ths. Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị