Sign In

Huyện Trực Ninh chủ động trước thiên tai bảo vệ đời sống người dân

15:05 23/05/2024
Mùa mưa bão năm nay đang đến, các địa phương, lực lượng chức năng ở huyện Trực Ninh đang gấp rút chuẩn bị mọi phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ sản xuất và đời sống cho người dân.

Lượt xem: 6
Kè bờ kiên cố hoá kênh Phú An 4, thị trấn Cát Thành nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và phục vụ sản xuất, đời sống.

Trên địa bàn thị trấn Cát Thành có 4,025km đê hữu sông Ninh Cơ đi qua, đoạn từ K11+416 đến K15+441. Đồng chí Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Trong mùa mưa bão năm nay, mục tiêu cụ thể của thị trấn là giữ an toàn các tuyến đê, các công trình công cộng, nhà ở của nhân dân, công trình thủy lợi, không để diện tích cấy lúa bị ngập úng… khi có tình huống thiên tai xảy ra. Để đảm bảo công tác PCTT và TKCN, UBND thị trấn đã chỉ đạo các tổ dân phố huy động mỗi hộ dân chuẩn bị sẵn 2 bao tải đựng đất, đá; khi có lệnh thì tập kết tại vị trí quy định của từng tổ dân phố; đồng thời lập danh sách lực lượng thanh niên có sức khỏe, thường xuyên có mặt tại nhà; mỗi tổ dân phố 10 người, sẵn sàng tham gia công tác PCTT và TKCN. UBND thị trấn cũng chuẩn bị 2.000 chiếc bao tải, 500 cây tre, 2 xe ô tô vận tải chở vật tư, 15 máy bơm nước tự động, 1.000m3 đất… sẵn sàng cho công tác PCTT và TKCN. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN thị trấn đã chuẩn bị công tác hậu cần, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng về lương thực, thực phẩm gồm 3.200kg gạo, 3.200 gói mỳ tôm, 1.000 chai nước uống, 120 lít dầu hỏa…; tuyên truyền cho nhân dân chủ động lương thực, thực phẩm khi có tình huống xấu xảy ra.

Không chỉ tại thị trấn Cát Thành, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn huyện Trực Ninh cũng đang tích cực chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT và TKCN mùa mưa bão năm nay. Mặc dù không phải là địa phương ven biển song địa bàn huyện Trực Ninh nằm trên lưu vực của 2 sông lớn là sông Hồng và sông Ninh Cơ nên khi xảy ra tổ hợp tình huống thiên tai như mưa to, bão mạnh, lũ lớn, triều cường thì mức độ ảnh hưởng rất lớn. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả mọi tình huống thiên tai, ngay từ đầu năm 2024, huyện Trực Ninh đã phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện phụ trách địa bàn, lĩnh vực cụ thể; giao án phận bảo vệ đê điều cho các xã, thị trấn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Hạt quản lý đê Trực Ninh và các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh, Hải Hậu tổ chức tổng kiểm tra công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa bão, đánh giá hiện trạng, mức độ an toàn của các công trình, lập phương án theo dõi và xử lý kịp thời; thường xuyên kiểm tra hiện trạng, phát hiện, ngăn chặn vi phạm công trình đê điều, thủy lợi. Qua kiểm tra cho thấy, trên tuyến đê hữu sông Hồng đoạn qua thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Chính có hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ, mạch đùn, mạch sủi; trên tuyến đê hữu sông Ninh Cơ đoạn qua các xã Trực Mỹ, Trực Thuận bị sạt gần chân đê; đê tả sông Ninh Cơ đoạn từ K22+4000 đến K23+537 có nhiều tổ mối. Về kè, một số đoạn đê, kè xung yếu như kè Phượng Tường đoạn từ K6+067 đến K6+347; kè Trực Bình đoạn từ K10+115 đến K10+525 và đoạn từ K10+860 đến K10+980 trên tuyến đê hữu sông Ninh Cơ qua xã Việt Hùng đang bị sạt lở…

Trước thực trạng trên, huyện Trực Ninh đã lập và duyệt các phương án: Phương án bảo vệ trọng điểm đê kè Phượng Tường, Trực Bình (xã Việt Hùng) và cống Văn Lai (xã Phương Định); phương án bảo vệ các vị trí xung yếu gồm các cống Cổ Lễ, Cát Chử, Bà Nữ, Nam Tân, Rõng 1, Rõng 2, Lương Hàn, Phú An… Đồng thời xây dựng các phương án: hộ đê toàn tuyến; di dân vùng bối xã Phương Định; ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai và với tình huống siêu bão. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, PCTT và chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác PCTT và TKCN. Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, công trình thủy lợi theo nhiệm vụ được phân công. Rà soát, xây dựng kế hoạch giải tỏa vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Phát hiện, theo dõi, xử lý kịp thời những công trình, vị trí mặt đê bị hư hỏng đảm bảo công trình an toàn trong phòng, chống bão lũ.

Hiện nay, toàn bộ số lượng vật tư PCTT của huyện gồm 12 bộ nhà bạt loại 16,5m2; 7 bộ nhà bạt loại 24,75m2; 2 bộ nhà bạt loại 60m2; 710 áo phao cứu sinh; 1.070 phao tròn cứu sinh, 18 phao bè được dự trữ tại kho của huyện; 1.890m3 đá hộc dự trữ được tập kết tại tuyến đê hữu sông Hồng (thuộc thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Chính) và 2.263m2 đá hộc được tập kết tại đê hữu sông Ninh Cơ (thuộc các xã, thị trấn Phương Định, Việt Hùng, Cát Thành, Trực Thuận). Ngoài ra mỗi xã, thị trấn còn chủ động chuẩn bị khoảng 2.000 chiếc bao tải, có kế hoạch huy động 500 cây tre (có vị trí tập kết và các hộ cung ứng cụ thể). Riêng các xã, thị trấn có đê đã dự kiến vị trí thuận lợi, không bị ngập úng để khai thác tối thiểu 1.000m3 đất hộ đê khi cần thiết. Về lực lượng tại chỗ, đã có 15/21 xã, thị trấn thành lập 33 đội tuần tra, canh gác đê gồm 396 thành viên và được UBND huyện cấp phát các dụng cụ như cuốc, mai đào đất, dao mác, đèn báo, đèn pin… để thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6-1-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được huy động khi có lệnh báo động lũ. 21/21 xã, thị trấn đã thành lập 21 đội xung kích gồm 1.936 thành viên sẵn sàng xử lý các sự cố cũng như ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn xây dựng phương án, ký hợp đồng cụ thể với tổ chức, cá nhân để cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước... khi cần huy động. Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh, năm 2023, toàn huyện đã giải tỏa 82 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi; trong đó đã ngăn chặn, giải tỏa kịp thời ngay từ giờ đầu 6 vụ phát sinh mới vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng đông xuân 2023-2024, toàn huyện đã nạo vét, đào đắp được 155.443m3 đất; xây mới, sửa chữa 15 công trình cấp I và cấp II, 222 cống cấp III và 898 cống bi để nâng cao hiệu quả tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước PCTT.

Chuẩn bị kỹ lưỡng công tác PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện Trực Ninh quyết tâm hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra khi mùa mưa bão đang đến gần nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.

Theo BaoNamDinh.VN

Tag:

File đính kèm