Sign In

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ngăn chặn tệ nạn xã hội trong công nhân lao động

15:05 05/06/2024
Cùng với các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống cho công nhân lao động (CNLĐ), thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm ngăn chặn từ sớm tệ nạn xã hội trong CNLĐ, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp.

 

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Hải Hậu tổ chức diễn đàn truyền thông giáo dục đời sống đạo đức gia đình cho công nhân lao động Công ty TNHH Viet Power.

 

Hàng năm Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt xây dựng chuyên đề về phòng, chống tai, tệ nạn xã hội và triển khai đến các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, đảm bảo 100% tổ chức CĐCS đều tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL tới CNLĐ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chú trọng công tác phối hợp với chính quyền, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tham gia các nhóm nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; chung tay phát hiện, ngăn chặn ngay các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong CNLĐ. Hình thức tuyên truyền cũng ngày càng đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị người lao động, hội nghị tiếp xúc chuyên đề với CNLĐ; tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội zalo, facebook của đơn vị; tuyên truyền lồng ghép trong các dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7), Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)… Phối hợp với các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức tuyên truyền các nội dung pháp luật mới được thông qua, các vụ, việc liên quan đến tệ nạn xã hội có tính chất phức tạp; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí như Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thông tấn xã Việt Nam xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, ảnh về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội… Từ đầu năm 2024 đến nay, 100% tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp đã lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội trong các hội nghị người lao động, hội nghị tập huấn, hội nghị đối thoại với CNLĐ… Các cấp công đoàn đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền thu hút đông đảo CNLĐ tham gia, chăng treo hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tờ gấp, sách nhỏ, tranh, ảnh các nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các khu đông CNLĐ, dọc các tuyến đường dẫn vào các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp của các huyện, thành phố. Thông qua hoạt động tuyên truyền, PBGDPL nhằm trang bị những kiến thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ, góp phần chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người, cho vay nặng lãi, cờ bạc trá hình, an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. 

Đồng chí Mai Thị Huế, Chủ tịch LĐLĐ huyện Xuân Trường cho biết: LĐLĐ huyện đang quản lý 115 CĐCS với hơn 6.500 đoàn viên. Căn cứ vào điều kiện hoạt động ở các doanh nghiệp mà tổ chức CĐCS xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL, phòng, chống các tai, tệ nạn xã hội trong CNLĐ. Nhiều doanh nghiệp, do cường độ lao động cao, sản xuất theo dây chuyền ít có điều kiện tập hợp người lao động tham gia các hoạt động tập trung, do đó việc lựa chọn thời điểm tổ chức tuyên truyền cũng linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp để vừa đảm bảo công tác tuyên truyền, PBGDPL vừa không ảnh hưởng đến quá trình lao động của người lao động và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề nổi cộm thường xảy ra trong CNLĐ như cho vay nặng lãi, cờ bạc, ma túy, an toàn giao thông… Hình thức tuyên truyền cũng thay đổi cho phù hợp như, tổ chức tuyên truyền trong giờ ăn, giờ tan ca, lồng ghép vào các cuộc họp của tổ, chuyền sản xuất; qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ; các trang mạng xã hội zalo, facebook của đơn vị; trên xe đưa đón công nhân; tăng cường tuyên truyền vào buổi tối hoặc các dịp nghỉ lễ ở các khu nhà trọ… Ngoài công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản trong phòng, chống tệ nạn xã hội đối với CNLĐ, tại các buổi tuyên truyền các thành viên nhóm nòng cốt, báo cáo viên, Ban chấp hành CĐCS còn dành thời gian để người lao động đặt các câu hỏi và giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người lao động. Ngược lại, người lao động cũng tích cực trả lời các tình huống để củng cố lại kiến thức cũng như vận dụng vào những trường hợp cụ thể khi gặp phải...

Công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn xã hội cho CNLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người lao động biết tự bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp. Đặc biệt, các tổ chức công đoàn đều phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng cử thành viên Ban chấp hành CĐCS tham gia hội nghị, hội thảo, tập huấn tuyên truyền, PBGDPL. Các nhóm zalo của các doanh nghiệp, tổ sản xuất, chuyền sản xuất đều hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền các tài liệu với nhiều nội dung về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt trong Tháng Công nhân năm 2024, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các hoạt động hướng về người lao động có lồng ghép công tác tuyên truyền, PBGDPL phòng, chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn xây dựng chương trình tuyên truyền, PBGDPL với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, trong đó có các nội dung pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội... góp phần xây dựng hình ảnh người công nhân văn hóa, có nếp sống lành mạnh, không vi phạm các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp, địa phương.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL phòng, chống tệ nạn xã hội trong CNLĐ, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các cấp công đoàn đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền với phương châm “hướng hoạt động về cơ sở”. Tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ nòng cốt, có kỹ năng về chuyên môn tuyên truyền pháp luật để kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với CNLĐ, hạn chế vi phạm pháp luật, tạo thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Theo: Baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm