Sign In

Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

11:11 26/11/2024
Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa, khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương.

Lượt xem: 4

Ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) thành công với mô hình nuôi thủy sản.

Năm 2008, gia đình ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đấu thầu hơn 4.000m2 đất ruộng trũng ven đê của xã cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản. Ban đầu gia đình ông nuôi thả các giống cá truyền thống như trôi, trắm, chép. Tuy nhiên do chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi, tỷ lệ hao hụt đầu con lớn, vấn đề tiêu thụ gặp khó khăn... nên hiệu quả kinh tế thấp. Không nản chí, ông tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật nuôi mới thông qua sách, báo và đi tham quan thực tế một số mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả. Năm 2019, sau khi dành thời gian học hỏi kinh nghiệm ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, gia đình ông chuyển sang nuôi cá chạch và ếch là hai con nuôi đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiềm năng, nhất là những đối tượng con nuôi này chăm sóc khá dễ, tỷ lệ thành công cao. Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, ông Minh quy hoạch lại diện tích ao nuôi và đầu tư thêm các thiết bị hiện đại để phục vụ nuôi cá. Hàng năm, gia đình ông thả 2 vụ giống, mỗi vụ 50 nghìn con cá chạch trên diện tích hơn 2.000m2 và 14 nghìn con ếch/200m2 ao. Sau 4 tháng chăm sóc cá chạch, 3 tháng chăm sóc ếch sẽ cho thu hoạch. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch khoảng 4 tấn cá chạch và gần 3 tấn ếch. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi 300 triệu đồng. Năm 2023, gia đình ông cùng 6 hộ trong tổ hợp tác nuôi cá chạch của xã được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với mức 50 triệu đồng/hộ. Từ nguồn vốn vay này, gia đình ông Minh sử dụng để đầu tư thức ăn cho cá, ếch và cải thiện ao nuôi. Thời gian tới, ông Minh dự định sẽ xây dựng khu chế biến cá chạch, đầu tư máy móc, nồi kho cá công nghiệp, cung cấp ra thị trường sản phẩm cá chạch kho, vừa đáp úng nhu cầu người tiêu dùng, vừa nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho gia đình.

Anh Tô Văn Mạnh ở thôn Lữ Đô, xã Phú Hưng (Ý Yên) hiện đang sở hữu trang trại nuôi cá chạch sụn rộng gần 3ha, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Để có được thành công như hôm nay, anh Mạnh đã trải qua không ít khó khăn. Sinh ra và lớn lên tại vùng chiêm trũng, trải qua nhiều nghề mưu sinh, anh luôn trăn trở làm thế nào để khai thác tiềm năng đất đai quê hương, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Khi xã có chủ trương “dồn điền đổi thửa”, anh đã nhận dồn ruộng về khu trũng, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích sử dụng và đấu thầu thêm 5 mẫu đất 5% của xã để phát triển sản xuất. Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay 300 triệu đồng, anh đầu tư đào ao thả cá, nuôi lợn, trồng cây rau màu. Năm 2018, nhận thấy cá chạch sụn thương phẩm được thị trường đặc biệt ưa chuộng, đầu ra ổn định, anh mạnh dạn nuôi thử nghiệm trên diện tích 1.500m2. Không chỉ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi chạch sụn hiệu quả, anh còn lặn lội lên Viện Thủy sản Trung ương, mời các giáo sư chuyên ngành về cơ sở để hướng dẫn cách nuôi chạch. Qua quá trình nuôi, anh tìm tòi, sáng tạo ra chiếc máng ăn tự động, đồng thời chủ động được nguồn giống, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Từ mô hình nuôi cá chạch của anh Mạnh, Hội Nông dân xã đã đứng lên thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và thương mại Bình Dương để tập hợp những hộ dân cùng tham gia mô hình VAC sản xuất cá chạch sụn, nuôi lợn, trồng rau nhằm phát triển ổn định theo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cho thành viên và nhân dân trong xã đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm và liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp cây, con giống và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ nguồn vốn vay và mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng. Đến nay, HTX đã có 15 thành viên, tập trung nuôi và sản xuất giống cá chạch sụn trên diện tích hơn 30 mẫu ao hồ và đã thành công trong việc tìm hiểu và áp dụng phương thức thụ tinh nhân tạo cho cá chạch đẻ trứng. Việc tự phối giống được cá chạch sụn đã giảm thiểu chi phí đầu vào và giúp cho HTX chủ động hơn trong nuôi thả. Chất lượng nguồn giống cá chạch tốt nên độ hao hụt khi nuôi ương giống và thả ao nuôi cũng nâng cao rõ rệt. Một cá chạch mẹ có thể khai thác sinh sản từ 2 đến 3 lần, mỗi cặp cá chạch bố mẹ có thể cho ra 1 vạn con giống, trứng được thụ tinh thành công cao. Bình quân 1 mẫu ao cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn kết hợp nuôi lợn, trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo tiêu chí; phối hợp các ngành hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, vốn, con giống, xây dựng mô hình trình diễn. Nhờ đó, phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp trong nhiều lĩnh vực, trở thành phong trào lớn trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm đã có 252 nghìn số hộ nông dân đăng ký, trong đó có trên 129 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Để phong trào ngày càng mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ về vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, dạy nghề, giới thiệu việc làm... Từ đó nâng cao đời sống vật chất cho hội viên nông dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của toàn tỉnh.

Theo baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm