Hầu đồng là nghi thức cơ bản trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
(Trong ảnh: Một giá hầu đồng tại Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản).
“Sợi dây” tinh thần gắn kết cộng đồng
Theo số liệu kiểm kê di tích, trên địa bàn tỉnh có gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu; trong đó, 2 khu di tích trọng điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), xã Yên Đồng (Ý Yên) - tương truyền là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất và Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) - tương truyền là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ hai. Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với hơn 20 đền, đình, chùa, phủ, lăng… tạo nên một điện thần Đạo Mẫu hoàn chỉnh về vị thế, quy mô kiến trúc nghệ thuật; trong đó, có 3 di tích chính là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị truyền thống văn hóa Việt, phản ánh ứng xử con người với con người, con người với thiên nhiên. Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ chầu văn và lễ hội.
Nghi lễ chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII, sau đó lan tỏa ra các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình và nhiều địa phương trên cả nước. Nghi lễ chầu văn là nhân tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của Đạo Mẫu Việt Nam. Từ nghi lễ này đã sản sinh ra các giá đồng và nghệ thuật hát chầu văn. Trong nghi lễ có các lớp diễn xướng mô tả hình trạng của các vị thánh, có những làn điệu dân ca kết hợp với âm nhạc và các điệu dân vũ truyền thống, mà trong đó lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian đa dạng và sống động, hấp dẫn như: huyền thoại, truyền thuyết, các hình thức văn học truyền miệng về các biểu tượng văn hóa, ca ngợi đạo đức, công trạng của những nhân vật lịch sử có công với nước, với dân. Trong các nguồn cung cấp cung văn cho sinh hoạt nghi lễ chầu văn ở Nam Định, nhiều thế hệ cung văn xuất thân từ thôn Khả Lang, xã Yên Dương (Ý Yên) và xã Kim Thái (Vụ Bản) đã trở thành lực lượng nòng cốt duy trì và tạo sức sống bền vững cho nghi lễ chầu văn của người Việt tại Nam Định. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ chầu văn gồm những người hầu đồng, hát văn và sử dụng nhạc cụ. Trong đó theo bản hội khoảng 150 người, CLB gần 100 người, tự do hơn 200 người. Toàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội, số lượng con nhang, đệ tử thường trực từ 100-300 người; hơn 10 CLB hát văn; 6 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú vì những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương khôi phục và phát huy tích cực. Hàng năm, tại các di tích thờ Mẫu, lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu tháng 3 âm lịch với các nghi lễ như tế lễ, rước kiệu và các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như: hát chầu văn, múa lân - sư - rồng, cờ người, xếp chữ…
Với những giá trị to lớn, các di sản liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nam Định đã được Nhà nước và tổ chức thế giới công nhận, ghi danh; trong đó, di tích Phủ Quảng Cung và quần thể di tích Phủ Dầy được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia; nghi lễ chầu văn và lễ hội Phủ Dầy được Bộ VH, TT và DL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12-2016). UNESCO đánh giá di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và đang góp phần quan trọng tạo ra “sợi dây” tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.
Góp phần bảo vệ và phát huy giá trị cốt lõi của di sản
Việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào; khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Sau gần 7 năm được UNESCO ghi danh, “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được đầy đủ hơn; sức lan tỏa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng mạnh mẽ hơn ở nhiều địa phương… Tại Nam Định, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND ngày 15-6-2021 phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”. Đề án đáp ứng yêu cầu lồng ghép trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh về du lịch, phát triển văn hóa và di sản. Trên cơ sở đó, góp phần thực thi nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do Chính phủ cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh. Các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản của Đề án được đề ra rất cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ.
Tuy nhiên, việc thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” còn bộc lộ một số bất cập cần quan tâm điều chỉnh đúng mức, kịp thời. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền đang bị mai một, có nguy cơ bị biến tướng, xuyên tạc. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội ở một số địa phương chưa cao, chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống,… Những hạn chế, bất cập nêu trên nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở nước ta nói chung và ở Nam Định nói riêng.
Để đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được sau khi UNESCO ghi danh di sản, ngày 29-11, tại thành phố Nam Định, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ VH, TT và DL tổ chức hội nghị, hội thảo chủ đề “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2017-2022 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” - Vai trò của các nhà khoa học và cộng đồng”. Nội dung của hội nghị, hội thảo nhằm đánh giá tổng thể công tác quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản giai đoạn 2017-2022 tại các tỉnh, thành phố có di sản và trong cộng đồng người thực hành di sản. Qua đó rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh nói chung cũng như “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng. Từ đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO giai đoạn 2023-2028. Trong các ngày 29, 30-11, tại các di tích Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) và Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) sẽ tổ chức các chương trình thực hành, truyền dạy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu theo nghi thức, bài bản truyền thống.
Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” không chỉ là trách nhiệm Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức với tư cách Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước 2003 của UNESCO mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng người Việt với nền văn hiến nước nhà và nền văn minh của nhân loại./.
Theo baonamdinh.vn