Các công trình, dự án trọng điểm, chiến lược được đẩy mạnh triển khai. Tỉnh đã và đang thu hút được những dự án đầu tư lớn, cả từ nguồn vốn trong nước và FDI.
Đột phá kết quả thu hút đầu tư
Dù mới thành lập nhưng với lợi thế nằm ven đại lộ nối tỉnh Nam Định với tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội chỉ 80 km, cách Hải Phòng 100 km, thuận lợi trong kết nối hạ tầng giao thông và logistic, KCN Mỹ Thuận (rộng hơn 158 ha, thuộc địa bàn huyện Mỹ Lộc, do Công ty CP xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng) nhanh chóng được một số nhà đầu tư nước ngoài chọn làm địa chỉ đầu tư.
Trong đó, tháng 5/2023, Tập đoàn Quanta của Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định đầu tư dự án sản xuất và gia công máy tính, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận. Hiện nhà máy sản xuất đang được xây dựng. Theo nhà đầu tư, trong năm 2024 sẽ có 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn được sản xuất tại Nam Định và được xuất khẩu.
|
Năm 2023, Tập đoàn Quanta Đài Loan (Trung Quốc) chọn KCN Mỹ Thuận ở Nam Định
làm địa chỉ xây dựng nhà máy sản xuất máy tính. |
Sau Tập đoàn Quanta, tháng 8/2023, Công ty Sunrise Material (Singapore) cũng đã đầu tư đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc Polyme công nghệ cao tại KCN Mỹ Thuận; sản phẩm phục vụ đóng gói thực phẩm và được xuất khẩu.
Cũng trong tháng 8/2023, một nhà đầu tư khác, cùng đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là Tập đoàn JiaWei cùng các doanh nghiệp phụ trợ đã quyết định đầu tư tại KCN Mỹ Thuận nhóm 3 dự án, gồm: nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao; nhà máy in phụ trợ, nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Ngay sau khi được cấp phép đầu tư, JiaWei đã bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà máy. Dự kiến cuối năm 2024 dự án của JiaWei sẽ có sản phẩm xuất khẩu.
|
Ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, Tập đoàn JiaWei của Đài Loan (Trung Quốc)
đã triển khai việc xây dựng nhà máy tại KCN Mỹ Thuận-Nam Định. |
Gần đây nhất, vào tháng 10/2023, tỉnh Nam Định cũng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy sản xuất bộ nguồn P-DUKE VIETNAM tại KCN Mỹ Thuận cho Công ty TNHH P-Duke Technology của Đài Loan (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 8 triệu USD.
Cùng với KCN Mỹ Thuận, các KCN khác của tỉnh Nam Định cũng thu hút thêm được các dự án mới. Trong đó, mới đây, tại KCN Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng), Công ty TNHH SANBANG (Singapore) đã nhận bàn giao đất để triển khai dự án sản xuất các sản phẩm dệt, sợi dành cho gia đình, tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD). Dự án của SANBANG sẽ bắt đầu sản xuất từ quý IV/2025, công suất dự kiến mỗi năm đạt 15.000 tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15.000 tấn sợi DTY. Trước đó, tại KCN Dệt may Rạng Đông, Tập đoàn Toray (Nhật Bản) thông qua Công ty TNHH TOP TEXTILES đã triển khai dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm sợi, vải tổng vốn đầu tư 203 triệu USD, công suất dự kiến đạt 120 triệu mét vải/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn I của dự án sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm 2023.
|
Trong năm 2023, nhiều Dự án đầu tư nước ngoài đã được chính quyền tỉnh Nam Định
cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại tỉnh. |
Tại KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản), sau khi 150 ha giai đoạn một nhanh chóng được “lấp đầy” phần diện tích đất thương mại, mới đây KCN này đã được mở rộng thêm 50 ha diện tích. Ngay sau khi được mở rộng, KCN Bảo Minh đã được đón nhận dự án Kỹ thuật bảo hộ an toàn Xingyu Việt Nam của Tập đoàn Xingyu (Singapore). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 85 triệu USD, thời hạn hoạt động trong 37 năm; quy mô sản xuất 300 triệu đôi găng tay bảo hộ lao động/năm, tương đương 1.950 tấn/năm; công suất khoảng 10 triệu đôi găng tay y tế/năm, tương đương 300 tấn/năm. Dự án sẽ khởi công xây dựng vào tháng 3/2024, tháng 12-2025 sẽ chính thức hoạt động.
|
KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản-Nam Định) vừa mở rộng
đã đón nhận dự án đầu từ gần 85 triệu USD của nhà đầu tư đến từ Singapore. |
Những vướng mắc tại dự án Nhà máy Nhiệt điện (Hải Hậu), vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD cũng đang có hướng tháo gỡ khi vào ngày 16/10 vừa qua đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về các nội dung liên quan. Theo Tổng Giám đốc Gult Việt Nam, nhà đầu tư này đã sơ bộ thống nhất thoả thuận với Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc)-chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định, về việc hai Tập đoàn cùng hợp tác hoặc Tập đoàn Taekwang chuyển đổi cho Tập đoàn Gulf đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1, theo hướng chuyển đổi từ công nghệ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng-PV). Đại diện Gulf đề xuất chính quyền tỉnh, ngoài dự án điện khí LNG thứ nhất, trong tổng số 300 ha đất chính quyền tỉnh đã quy hoạch phục vụ dự án, cho Gulf khảo sát, đầu tư thêm một dự án điện khí LNG số 2, thiết lập 1 Trung tâm năng lượng điện khí LNG công suất 1.500-3.000MW; đầu tư 1 kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc tiếp nhận tàu 200 nghìn m3, với mục đích hỗ trợ các dịch vụ tiện ích phục vụ hoạt động của Trung tâm năng lượng điện khí LNG, cung ứng thêm các dịch vụ logistic về điện khí cho các doanh nghiệp cùng ngành tại các địa phương trong khu vực miền Bắc. Phía chính quyền tỉnh Nam Định hoanh nghênh thiện chí của Gulf; giao các sở ngành, địa phương liên quan của tỉnh đồng hành hỗ trợ Gulf trong quá trình triển khai.
|
Đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định. |
Trong năm 2023, chính quyền tỉnh Nam Định có một động thái quan trọng khác, đó là thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh…
Tổ hợp dự án thép vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng
Đối với thu hút vốn đầu tư trong nước, thời gian qua tỉnh Nam Định gây chú ý khi tiếp nhận Tổ hợp dự án sản xuất thép, tổng vốn đăng ký đầu tư 98.900 tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện; đã và đang triển khai các bước trong quy trình đầu tư tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng (khu vực Cồn Xanh).
Tổ hợp gồm 3 dự án: dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (xây dựng trên diện tích 83,93 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm); dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 284,97 ha, công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng); dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 56,8 ha, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, công suất sản xuất 350.000 tấn/năm).
|
Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn- một trong ba dự án thuộc Tổ hợp dự án thép
của Tập đoàn Xuân Thiện tại Nam Định- được khởi công cuối năm 2022. |
Trong số 3 dự án trên, dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn đã được khởi công vào cuối năm 2022; dự án Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 19/10 vừa qua. Hiện hệ thống chính trị ở tỉnh Nam Định đang tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc triển khai Tổ hợp dự án thép quy mô lớn này.
Một số dự án khác, có nghĩa đặc quan trọng đối với đời sống kinh tế-xã hội, dân sinh trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đã và đang được chính quyền tỉnh, nhà đầu tư, các nhà thầu tập trung triển khai, như dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tổng mức đầu tư 1.467,3 tỷ đồng); giai đoạn 2 dự án xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp (TP Nam Định); dự án Xây dựng khu xử lý rác thải Mỹ Thành-huyện Mỹ Lộc (vốn đầu tư 1.437,039 tỷ đồng, do Công ty CP Năng lượng Greenity Nam Định làm chủ đầu tư)…
|
Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đang trong giai đoạn hoàn thiện. |
Tổng hợp các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư
Để có được kết quả phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trên, theo Chủ tịch UBD tỉnh Phạm Đình Nghị, những năm qua các cấp ủy Đảng, quyền ở Nam Định đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bao gồm công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất; nguồn nhân lực; nỗ lực thực hiện giải phóng mặt bằng; thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư…
|
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023 tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP)
trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt hai con số (10,19%), cao nhất từ trước đến nay. |
Trong đó, toàn tỉnh có 1.716 thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; trong đó có 1.248 TTHC, đạt 74%, được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; tỉnh xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục; là đầu mối kết nối với 17/17 cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh.
Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo ngành thuế tập trung thực hiện giảm thu thuế bảo vệ môi trường; thực hiện giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp...
Đặc biệt, tỉnh đã tập trung khai thác, huy động, ưu tiên sử dụng các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, giao thông đối ngoại có tính động lực, chiến lược lâu dài.
Thời gian qua, địa bàn tỉnh Nam Định được xem như một “đại công trường”. Trong đó, ngày 29/9 vừa qua, tỉnh triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo, triển khai, có ý nghĩa chiến lược, mang tính liên kết vùng, kết nối những tỉnh như Nam Định, Thái Bình với các trung tâm phát triển của vùng và của cả nước.
|
Cầu Thịnh Long, bắc qua sông Ninh Cơ, nằm trên tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định. |
Trước đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm, chiến lược khác đã được tỉnh Nam Định huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, triển khai thi công trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thiện thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh, dài 65,58km tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, ngoài kết nối 3 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy của tỉnh tuyến đường còn kết nối với nhiều tuyến đường trong nội tỉnh, đặc biệt sẽ kết nối thuận lợi giữa Nam Định với các tỉnh ven biển liền kề như Ninh Bình, Thái Bình, xa hơn là Hải Phòng, Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương ven biển của tỉnh.
Giai đoạn 2 dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tại nút giao Cao Bồ, huyện Ý Yên cũng là điểm đầu của tốc Cao Bồ-Mai Sơn, nối Nam Định với Ninh Bình) cũng đang được tỉnh tập trung triển khai thi công. Tuyến đường dài 46 km, đi qua địa bàn hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.326,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, cuối năm 2022 tỉnh cũng đã khởi công tuyến đường bộ mới TP. Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, dài gần 25 km, đi qua địa bàn 5 huyện (Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy). Sau khi hoàn thành, tuyến đường nối trung tâm tỉnh với vùng biển này sẽ giảm tải cho QL21 chật hẹp, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các huyện phía Nam của tỉnh đi vào trung tâm TP Nam Định, tới Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Như vậy, sau khi tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển hoàn thành, đưa vào khai thác, nội tỉnh sẽ có thêm 2 tuyến đường huyết mạch, kết nối phía bắc, trung tâm tỉnh với vùng kinh tế biển của tỉnh bên cạnh QL 21 và đường tỉnh 490C.
|
Kênh Nghĩa Hưng (Kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ) đã được đưa vào khai thác. |
Bên cạnh đó, ngày 25/7 vừa qua, Kênh Nghĩa Hưng (cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ), vốn đầu tư 107,19 triệu USD tại tỉnh Nam Định đã được Bộ GT-VT công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia. Công trình thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc); là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ; phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, giảm “gánh nặng” cho đường bộ.
Sau thời gian dài chuẩn bị, mới đây UBND tỉnh Nam Định cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, rộng gần 14. 000 ha, thuộc địa bàn 2 huyện ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu khi các điều kiện thành lập, nhất là về kết cấu hạ tầng đã hội đủ.
Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được tỉnh trình các bộ, ngành ở Trung ương thẩm định.
Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, để chuẩn bị quỹ đất đón các nhà đầu tư chiến chiến lược, thời gian qua tỉnh Nam Định tập trung phát triển hạ tầng nhiều Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN). Ngoài các KCN đã thành lập, hoạt động ổn định từ trước, như KCN Hòa Xá (TP Nam Định), KCN Bảo Minh (Vụ Bản, vừa được mở rộng thêm 50 ha), KCN Mỹ Trung (Mỹ Lộc), địa bàn tỉnh có thêm một số KCN mới, đang trong quá trình thu hút đầu tư như KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng, rộng trên 500 ha); KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc, rộng hơn 150 ha).
|
KCN Bảo Minh (Huyện Vụ Bản). |
Nhiều KCN khác như Trung Thành, Hồng Tiến (Ý Yên), Xuân Kiên (Xuân Trường), Hải Long (Giao Thủy)… đang được tỉnh xúc tiến quy trình thành lập. Ngoài ra, địa bàn 10 huyện, thành phố trong tỉnh hiện có 20 CCN đang hoạt động và mới được thành lập, hướng đến mục tiêu thu hút các dự án sản xuất công nghiệp về địa bàn nông thôn.
Theo baonamdinh.vn